Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ II - Tăng tuổi hưu cần "điểm danh" từng ngành nghề
Nhiều doanh nghiệp cho biết cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chậm để tránh gây sốc, đồng thời Chính phủ quy định chi tiết áp dụng tăng tuổi hưu với từng ngành nghề.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần tới, trong đó, đề xuất về tăng tuổi nghỉ hưu được Cơ quan soạn thảo đưa ra với lộ trình 10 năm và 15 năm, bắt đầu từ năm 2021.
Lao động muốn về hưu non
“Lao động nữ tới độ tuổi 55, thậm chí là 45 tuổi trong ngành dệt may là khó đảm bảo được năng suất vì có thể mắt đã mờ, tay đã chậm”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết và nhận định, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng”, khả năng kéo dài đến năm 2035, đồng thời, tuổi thọ cao có thể do tiến bộ về y tế, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc khả năng lao động cũng tăng lên tương xứng.
Thống kê cũng cho thấy, mỗi năm Việt Nam có tới 220.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, không có việc làm.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động trực tiếp đến các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản...
“Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, nhóm các ngành như dệt may, da giày, thủy sản... lại đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm và chuyển đổi đó. Do đó, nên xem xét lại việc tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm hiện nay”, ông Cẩm nói.
Trong khi đó, phía các doanh nghiệp cũng cho biết bản thân người lao động cũng không muốn tăng tuổi hưu. “Nhiều người lao động khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đã vội vàng chạy tiền để được làm giám định y tế về hưu non, hưởng chế độ BHXH 1 lần. Các nữ công nhân ngành may hàng ngày có 8-10 giờ đồng hồ chỉ tập trung vào cái trụ kim nhỏ bằng đầu nhón tay, phải qua từ 6-7 tầng kiểm tra, do đó công việc rất mệt mỏi, áp lực. Họ không có khả năng để làm việc đến năm 60 tuổi, phần lớn các lao động nữ trong ngành dệt may hiện nay ở tuổi 55 đã không còn khả năng làm việc”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Sông Hồng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ I - Trần làm thêm 400 giờ/năm còn “khiêm tốn”
17:15, 24/05/2019
Tăng giờ làm thêm bằng cách nào?
15:30, 15/05/2019
Giờ làm thêm cộng với lương luỹ tiến sẽ “đánh sập” doanh nghiệp
15:30, 14/05/2019
Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm
01:02, 02/05/2019
Dự thảo Luật lao động sửa đổi: Mở rộng khung thoả thuận về giờ làm thêm
06:16, 05/04/2019
Quy định chi tiết từng ngành nghề tại Nghị định
Trên thực tế, tăng tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề lớn, tác động tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm tại một số nước về tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, tuổi nghỉ hưu tăng nhanh có thể tạo ra cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế- xã hội khác của đất nước.
Do đó, ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc theo từng ngành nghề, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần “chậm lại”.
“Không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với tất cả loại hình, loại hình ngành nghề nào có trình độ khoa học kỹ thuật cao thì có thể cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên với những doanh nghiệp khu vực sản xuất, nặng nhọc nên giữ mức tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành chứ không nên tăng”, Đại diện một doanh nghiệp dệt may kiến nghị.
Tổng thư ký VITAS cho rằng, nếu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện, thì cần có các quy định chi tiết tại Nghị định của Chính phủ với các lao động tại doanh nghiệp sản xuất, khu chế xuất. “Tăng tuổi nghỉ hưu nên được thực hiện trước ở khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực sản xuất nên có độ trễ từ 5-10 năm”, Tổng thư ký VITAS kiến nghị.
Hai phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021Phương án 1 từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. |
Kỳ III: Quy định về hợp đồng lao động khiến doanh nghiệp phải “chaỵ theo” lao động