Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Không đặt thêm thủ tục hành chính
Một số nội dung của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ không bám sát quy định của CPTPP, thậm chí còn vượt xa tiêu chuẩn, quy định của CPTPP một cách không cần thiết.
Đó là nhận xét của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần xem xét như sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
- Ông có thể dẫn chứng những điểm thừa trong dự án luật?
Bản thân chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa và xuất xứ hàng hòa là các vấn đề khác nhau. Chỉ dẫn địa lý hay xuất xứ có nằm trong nhãn hiệu hàng hóa hay không? Có cấu thành là một thành phần độc lập hay không? Nếu độc lập mà trái với quy định của CPTPP thì xử lý như thế nào?
Trong tất cả các án lệ của các nước đều ghi rõ, bản thân xuất xứ hàng hóa chỉ làm một thành tố của nhãn hiệu hàng hóa, thì chúng ta nên thu hút vấn đề đó vào một nội dung và không cần thiết quy định thành điểm riêng. Còn trong trường hợp các nước coi nhãn hiệu và xuất xứ không thuộc về nhãn hiệu hàng hóa thì buộc phải loại bỏ. Bởi vì trong trường hợp này, khi xảy ra tranh chấp với các nước CPTPP thì họ sẽ loại chúng ta ra khỏi cuộc chơi. Vì họ nhìn nhận, chưa cần nói đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong nội địa của Việt Nam, mà lại tăng thêm thủ tục hành chính cho các quan hệ quốc tế thì các nước trong khối CPTPP sẽ không chấp nhận. Vấn đề này nếu không cân nhắc một cách thấu đáo có thể xảy ra những xung đột về quan điểm cũng như xung đột về mặt giải quyết các tranh chấp sau này.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ “vượt trần” cam kết CPTPP
06:16, 06/05/2019
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ "khó hơn" cam kết WTO
06:00, 20/04/2019
- Vậy ông có kiến nghị gì về những bất cập này không?
Ban soạn thảo phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và rà soát lại, đặc biệt là với các bản án tranh chấp về những vấn đề như nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa đã được giải quyết. Trong đó, bản án trọng tài là quan trọng nhất. Đây là những quy định thật sự phức tạp.
Thực tế có những vụ việc không được giải quyết bằng những quy định quốc tế. Ví dụ về một vụ án có liên quan đến bảo hiểm hàng hóa trong một con tàu đắm. Vụ án này không thể áp dụng luật tại thời điểm xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử đã áp dụng án lệ từ năm…1700. Trường hợp này, các bên có hai lựa chọn hoặc thỏa thuận được với nhau hoặc chấp nhận án lệ từ cách đây 300 năm, vì đây là một thông lệ quốc tế. Như vậy, thông lệ quốc tế có thể viện dẫn những điều khoản trong luật từ rất lâu.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào một số vấn đề: về sáng chế, sửa đổi Điều 60 Luật SHTT theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn,... Về nhãn hiệu, bổ sung vào Điều 89 Luật SHTT quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. |
- Có ý kiến đề xuất nên chọn những điểm mờ trong luật để tận dụng được lợi thế việc chuyển hóa các cam kết CPTPP vào hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ chung của Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Xin được biết quan điểm của ông?
Đây là vấn đề kỹ thuật, không mang tính chiến lược. Đây cũng là một biện pháp như dùng “mẹo” để xử lý. Nhưng nếu muốn căn cơ thì phải có chiến lược và dựa vào các quy định cứng. Cho nên, khi phát biểu về vấn đề thông qua CPTPP, tôi đã kiến nghị cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề pháp lý, để có những quy định và chuẩn bị trước chương trình hành động, cũng như phải giáo dục pháp luật cho các chủ thể khi tham gia vào quá trình này, không nên coi đây chỉ là việc của cơ quan quản lý nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!