Doanh nghiệp chịu tác động “kép” khi tăng giờ làm thêm

ANH DUY 25/05/2019 11:05

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần tới.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần tới. Một trong những nội dung đề xuất tại Dự thảo được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng và tổng số 400 giờ/năm, tuy nhiên là với các ngành nghề “đặc biệt” vào các thời điểm nhất định.

p/Những điểm mới ở Dự thảo Luật Lao động 28/4/2019

Những điểm mới ở Dự thảo Luật Lao động 28/4/2019

Năng suất thấp phải “bù đắp” tăng giờ làm

Như vậy với các ngành nghề không được xác định là “đặc biệt” sẽ vẫn áp dụng mức trần 200 giờ/năm. Các doanh nghiệp đánh giá điều này là không công bằng với các doanh nghiệp cũng như chưa phù hợp với những ngành có tính mùa vụ, thời điểm đặc thù.

Theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Tổng công ty Sông Hồng, doanh nghiệp có hơn 10.000 lao động: “Doanh nghiệp dệt may thâm dụng nhiều lao động nhưng chủ yếu là gia công nên năng suất thấp, ngành lại có tính đặc thù đơn hàng theo mùa. Ví dụ, đơn hàng thường dồn vào mùa giáng sinh, quy định bó buộc về giờ làm thêm khiến doanh nghiệp không đảm bảo được tiến độ giao đơn hàng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, người lao động Việt đặc biệt ở các ngành thâm dụng nhiều lao động có năng suất thấp lại đang “bó buộc” giới hạn về khung giờ làm thêm. Đặc biệt với các doanh nghiệp mang tính đặc thù ngành hàng và liên quan chuỗi sản xuất.

“Các doanh nghiệp thủy sản, hoạt động liên quan đến chuỗi khai thác biển cũng như theo con trăng, con nước, mùa vụ. Khi một ngành hàng phụ thuộc cả chuỗi như thế, có khi vài tháng cao điểm cần người lao động làm thêm giờ để tôm cá được bảo quản giữ tươi. Nếu không hàng bị ươn hỏng, đó là chưa kể khi ký đơn hàng với quốc tế cũng phải thực hiện theo quy định của họ”, đại diện VASEP nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ trình bày dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) tại phiên họp 34 UBTVQH

    Sẽ trình bày dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) tại phiên họp 34 UBTVQH

    20:08, 04/05/2019

  • Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm

    Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm

    01:02, 02/05/2019

  • Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Trẻ em 15 tuổi có thể được làm thêm giờ!

    Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Trẻ em 15 tuổi có thể được làm thêm giờ!

    11:00, 01/05/2019

  • Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

    Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

    18:22, 30/04/2019

Đại diện này cũng cho biết, các nước tương tự hoặc có bước phát triển xa hơn Việt Nam một chút như Thái Lan, Singapore cũng đều có khung giờ làm thêm rộng hơn. Do đó, Đại diện VASEP kiến nghị, nới rộng giờ làm thêm cần linh hoạt với doanh nghiệp thuỷ sản đề xuất khung giờ làm thêm lên 500 giờ/năm để phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế cho doanh nghiệp nới lỏng giờ làm thêm theo từng thời điểm phù hợp. Cụ thể, đề xuất tăng số giờ làm thêm lên mức 450 giờ/năm, bỏ khống chế tháng chỉ để khống chế theo năm là tăng không quá 50%.

Thậm chí, ý kiến nhiều doanh nghiệp còn cho biết cũng “hoang mang” trong xác định thế nào là ngành nghề “đặc biệt”? “Với những doanh nghiệp ngành IT, ngành nghiên cứu phát triển, chúng tôi đề nghị Chính phủ quy định chi tiết cụ thể mức trên 500 giờ làm thêm. Khái niệm “ngành đặc biệt” là bất công bằng với các doanh nghiệp, không thể nói doanh nghiệp nào đặc biệt hơn doanh nghiệp nào, doanh nghiệp nào cũng đều sản xuất kinh doanh và phải cạnh tranh trong thị trường”, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.

Lương luỹ tiến “đánh sập” doanh nghiệp

Cùng với kiến nghị bỏ mức quy định trần về giờ làm thêm, các doanh nghiệp còn cho biết, đề xuất cách tính tiền lương làm thêm theo lũy tiến là bất hợp lý. Nói như Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: “Bản chất của làm thêm giờ là bù đắp năng suất lao động chưa cân bằng, nếu vừa tăng làm thêm giờ vừa tăng lũy tiến về tiền lương tức chi phí lao động, thì tất cả các chi phí vào đều tăng sẽ đánh sập doanh nghiệp”.

Quy định hiện hành về cách tính lương làm thêm giờ ở mức ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, tương ứng là tỷ lệ 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% làm thêm giờ vào ngày lễ. Các chuyên gia đánh giá đây là mức cao và chưa kể tới, vào các ngày nghỉ lễ tết lao động vẫn được hưởng lương.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị cách tính lương làm thêm giờ cần đảm bảo hài hoà lợi ích người lao động và phù hợp với tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp.

Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng cần cụ thể trong xác định giờ làm thêm. “Dự thảo luật quy định 1h làm việc ban đêm mức cao hơn 30% so với 1h làm ban ngày, đề nghị phải phân biệt lao động làm mấy ca trên ngày, nếu chỉ làm 1 ca 8 tiếng thì hoàn toàn bình thường không cần tăng lương. Quy định lương giờ làm thêm phải là sau khi hoàn thành 8 tiếng rồi làm thêm mới tính lương vượt mức” - ông Bùi Đức Thịnh kiến nghị.

Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị cách tính lương làm thêm giờ cần được thực hiện theo cơ chế thương lượng. Điều này cũng góp phần nâng cao năng lực đàm phán của các đơn vị đại diện người lao động. Đồng thời tránh tình trạng quá “bao bọc” người lao động, khiến lao động có tâm lý chây ì không chịu tiến bộ, kìm hãm sự phát triển của người lao động trong nâng cao năng suất cũng như phát triển doanh nghiệp, xã hội.

Kỳ II: Tăng tuổi hưu cần “chọn lọc”

ANH DUY