Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ III - Doanh nghiệp phải “chaỵ theo” lao động
Các quy định được xem là quá "bao bọc" khiến lao động có thể nghỉ việc, nhảy việc tuỳ ý gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất có tính mùa vụ.
Dự kiến 3 ngày nữa, dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và các Đại biểu quốc hội bỏ phiếu thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Lao động được “tự do” nghỉ việc?
Theo bà Đào Thị Thu Huyền, Công ty TNHH Canon Việt Nam, xét theo tình hình thực tế hiện nay, doanh nghiệp đang phải “chạy theo” người lao động, cộng thêm với các quy định về thời gian thử việc, điều kiện nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động như tại Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) lại tiếp tục đặt người sử dụng lao động ở vị trí không được thương lượng.
“Các quy định “bao bọc” người lao động, khiến lao động được tự do nghỉ việc, rồi nhảy việc,… khiến doanh nghiệp không thể chủ động và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”, bà Huyền cho biết.
Cũng là lĩnh vực ngành sử dụng nhiều lao động, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điểm không tạo sự công bằng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, sẽ tạo sự trì trệ.
“Ví như quy định người lao động chỉ bị đuổi việc khi nghỉ 6 ngày liên tục/tháng. Vậy họ nghỉ cách ngày thì sao, họ chỉ nghỉ 4-5 ngày hoặc nghỉ kiểu “nhảy cóc” thứ 2-4-6 thì doanh nghiệp biết làm sao?”, đại diện VASEP kiến nghị.
Cùng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm phân tích thêm, Dự thảo Luật quy định cho phép người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, điều này sẽ gây biến động lao động rất lớn, doanh nghiệp không thể kiểm soát được ảnh hưởng đến thực hiện các đơn hàng.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường lao động Anphabe, trung bình một doanh nghiệp sẽ thất thoát khoảng 51% nhân tài sau thời gian làm việc. Tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên trong các doanh nghiệp năm 2018 là 20%, tỷ lệ này được cho là cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ II - Tăng tuổi hưu cần "điểm danh" từng ngành nghề
06:40, 25/05/2019
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Kỳ I - Trần làm thêm 400 giờ/năm còn “khiêm tốn”
17:15, 24/05/2019
Tăng giờ làm thêm bằng cách nào?
15:30, 15/05/2019
Giờ làm thêm cộng với lương luỹ tiến sẽ “đánh sập” doanh nghiệp
15:30, 14/05/2019
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị lựa chọn phương án giữ nguyên như quy định hiện hành, lao động chấm dứt hợp đồng lao động cần có lý do và thời hạn báo trước. Đồng thời điều chỉnh quy định về cho lao động thôi việc thành “người lao động nghỉ 5 ngày cộng dồn trong một tháng không lý do” là doanh nghiệp có thể cho thôi việc.
Thời gian thử việc quá ngắn ngủi
Cùng với các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động, ý kiến của nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, quy định về thử việc 6 ngày là chưa phù hợp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lĩnh vực da giày và thuỷ sản.
“Đơn cử đối với công nhân vận hành máy sợi, dệt, nhuộm, may công nghiệp đều phải qua đào tạo, song lại không phải là công nhân kỹ thuật để được áp dụng thử việc 30 ngày, mà chỉ được áp dụng thử việc 6 ngày, quá ngắn ngủi, đề nghị bổ sung thời gian thử việc cho đối tượng này là 10-15 ngày”, Tổng thư ký VITAS nhấn mạnh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản thậm chí còn cho rằng thời gian thử việc 6 ngày còn chưa đủ cho lao động được đào tạo kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm chung, chưa nói tới các kỹ năng trong hoạt động sản xuất trong chuỗi.
Trước khi được Quốc hội xem xét, ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Lao động cần cân bằng lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Bởi những quy định tại dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang quá “bao bọc” người lao động, khiến lao động có tâm lý chây ì không chịu tiến bộ, kìm hãm sự phát triển cuả lao động trong nâng cao năng suất cũng như phát triển doanh nghiệp, xã hội.