Vụ gian lận điểm thi: Đang điều tra “phụ huynh có đưa tiền hay không?”
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết như vậy tại phiên chất vấn sáng nay (4/6).
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rõ vụ gian lận tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 gây bức xúc dư luận, nhiều cán bộ có hành vi can thiệp nâng khống điểm cho thí sinh.
Bày tỏ băn khoăn vì sao có vụ giao thẩm quyền cho công an địa phương điều tra xử lý, có vụ lại do cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp nhận làm rõ. “Việc giao cho công an địa phương điều tra vụ gian lận xảy ra trên địa bàn có khách quan hay không? Nếu có dấu hiệu không khách quan thì Bộ công an có cùng phối hợp với VKNDTC đề nghị chuyển thẩm quyền điều tra vụ việc hay không?” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, 16 bị can liên quan đến vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Cơ quan điều tra đã kết luận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp nâng điểm theo tội danh. Qua điều tra cũng làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm.
Để đảm bảo yêu cầu về thời gian theo luật định, công an đề nghị truy tố các bị can được xác định rõ hành vi phạm tội. Còn vấn đề phụ huynh có hành vi đưa tiền cho bị can hay không, các bị can có nhận tiền để nâng điểm hay không đang được cơ quan điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ và công bố khi có kết quả.
Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, trong 3 vụ thì có 2 vụ ở Sơn La và Hà Giang do công an địa phương điều tra theo thẩm quyền, VKSND địa phương kiểm sát theo quy định. Riêng vụ xảy ra ở Hòa Bình, nhận thấy đây là loại tội phạm mới, theo đề nghị của địa phương thì Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận để có kinh nghiệm trực tiếp.
Người đứng đầu ngành công an cũng nhấn mạnh, do tính chất các vụ án nên Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, giám sát điều tra xử lý đúng người, đúng tội cho dù đã giao xử lý theo thẩm quyền. “Hiện chưa thấy hiện tượng điều tra xử lý không khách quan hay để lọt người, lọt tội. Bộ Công an cùng VKSND tối cao và VKSND địa phương giám sát vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Vụ gian lận điểm thi: Mong điều tra sáng tỏ!
11:00, 28/05/2019
Gian dối điểm thi: Tội ác và hiểm họa
05:00, 16/04/2019
Nâng điểm thi: Trăm dâu đổ đầu “con dân"
11:00, 13/04/2019
Sửa điểm thi: Do đâu và vì sao?
05:33, 24/07/2018
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 31/5, trả lời câu hỏi: “Có hay không mỗi suất chạy điểm thi THPT năm 2018 ở Sơn La có giá nhiều trăm triệu đồng, thậm chí bình quân một tỷ đồng?”, Trung tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, để điều tra gian lận điểm thi, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án ở Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình.
Theo ông, để đảm bảo xử lý kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi như lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để can thiệp, sửa chữa điểm thi; khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử theo đúng quy định.
Với phản ánh có lời khai về việc đưa, nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can trong vụ án, ông Quang cho biết, cơ quan điều tra đã có thông tin, nhưng đang thu thập và đấu tranh để có thêm tài liệu chứng cứ khác, chứng minh theo đúng quy định của pháp luật.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận, công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả, 44 thí sinh với 95 bài trắc nghiệm và hai bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm công bố. Thí sinh được nâng nhiều nhất là 26,55 điểm, bài thi có điểm nâng cao nhất là 9. Ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết theo kết luận điều tra, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Đây mới là giai đoạn một của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của 2 cựu cán bộ công an tỉnh. Khi 8 bị can bị đề nghị truy tố, giai đoạn hai của vụ án cũng sẽ mở ra. |