Hơn 10 năm người dân chưa được cấp sổ đỏ: Hải Phòng có đề nghị vô lý?
“Bí” cách giải quyết, UBND TP Hải Phòng đề nghị các hộ dân mua nhà tại dự án Đầm Trung ứng nộp tiền vào ngân sách nhà nước để làm “sổ đỏ”.
Như Báo DĐDN đã thông tin, đã hơn 10 năm nay mặc dù đã hoàn tất nghĩa vụ với chủ đầu tư nhưng hàng trăm người mua nhà ở dự án khu nhà ở Đầm Trung vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự chậm trễ này có nguyên nhân chính từ chủ đầu tư dự án không nộp tiền cấp quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Hải Phòng đề nghị các hộ dân ứng nộp tiền
Liên quan đến vấn đề này, ngày 8/5/2019, UBND TP Hải Phòng có thông báo kết luận số 220/TB-UBND về việc cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân tại dự án khu nhà ở Đầm Trung. Kết luận nêu rõ, chủ đầu tư không hợp tác giải quyết tồn tại, UBND TP đã chỉ đạo quận Ngô Quyền đo đạc lại hiện trạng sử dụng đất và thu thập hồ sơ của các hộ dân trong dự án.
Tại thông báo kết luận này, UBND TP Hải Phòng đã đề nghị tạm dừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án Đầm Trung. Bởi, nếu cấp “sổ đỏ” cho các hộ gia đình, cá nhân theo hiện trạng sẽ có nguy cơ gây thất thu ngân sách.
Đồng thời, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo UBND quận Ngô Quyền định hướng và thống nhất với các hộ dân trong dự án ứng nộp cho ngân sách nhà nước, khi nhà đầu tư có kinh phí sẽ hoàn trả cho các hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, số tiền mà chủ đầu tư đã thu của các hộ dân nhưng chưa nộp ngân sách, tính theo giá tại thời điểm tháng 8/2003 (khoảng 5,8 tỷ đồng) cộng thêm với tiền phạt chậm nộp (khoảng 11 tỷ đồng) là 16,8 tỷ chia đều cho diện tích 29.279m2 đất ở chủ đầu tư đã bán cho các hộ gia đình, cá nhân sẽ có giá khoảng 570.000 đồng/m2. Khi 100% hộ gia đình, cá nhân thống nhất với định hướng trên, UBND quận Ngô Quyền sẽ báo cáo UBND TP để thực hiện việc cấp “sổ đỏ”.
Ông Nguyễn Tuấn Dương – Công ty Cửu Long cho biết, công ty hoàn toàn nhất trí với cách giải quyết thấu tình đạt lý của UBND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, do từ năm 2010, sau khi Vinashin gặp khó khăn, công ty cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của công ty hầu như tê liệt và gặp khó khăn rất lớn về tài chính. Vì vậy, công ty đề nghị UBND TP giải quyết các vướng mắc, tồn tại của dự án Đầm Trung theo hướng, số tiền phát sinh 5,8 tỷ đồng của diện tích 4.312m2 đất ở tăng lên công ty cam kết sẽ nộp vào ngân sách trong thời gian từ nay đến cuối năm 2019. Đối với số tiền phạt chậm nộp 11 tỷ đồng, đến nay công ty chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về khoản tiền phát sinh này, đề nghị UBND TP xem xét miễn cho công ty khoản tiền này vì doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, công ty sẽ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng… để làm rõ về giá trị đoạn đường nối Văn Cao – Lạch Tray. Công ty cam kết sẽ nộp số tiền chênh lệch (nếu có) vào ngân sách nhà nước khi đối chiếu với số tiền đất phải nộp.
Doanh nghiệp không thực hiện dự án như phê duyệt
Theo hồ sơ thu thập, bước đầu xác định, Công ty Cửu Long đã không thực hiện đúng dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTG ngày 30/3/2000, tự ý điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng số lô đất từ 70 lô lên 132 lô và thực tế hiện nay là 148 lô. Tăng diện tích hơn 4.000 m2 đất ở, giảm diện tích cây xanh, đường giao thông. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thu tiền bán nhà và tiền cấp quyền sử dụng đất của các hộ dân, Công ty Cửu Long không nộp tiền cấp quyền sử dụng đất về ngân sách thành phố. Điều này khiến cho hàng trăm hộ dân sống trong cảnh “ở nhờ” trên chính mảnh đất mình bỏ tiền mua.
Có thể bạn quan tâm
7 nội dung liên kết phát triển hai thành phố Hà Nội – Hải Phòng
02:01, 09/06/2019
Hải Phòng: Nhân rộng mô hình thỏa ước lao động tập thể nhóm
01:00, 09/06/2019
Hải Phòng: Dự án 1.500 tỷ đồng có nguy cơ chậm tiến độ
16:21, 08/06/2019
Theo báo cáo của Cục thuế Hải Phòng, trước đây Hải Phòng mới tính toán tiền sử dụng đất đối với diện tích 25.499m2 đất ở, số tiền là hơn 34 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư đã nộp hơn 22 tỷ đồng, còn nợ hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư đã xây dựng 1 đoạn đường nối Văn Cao – Lạch Tray dài 335m. Do chủ đầu tư không xuất trình giấy tờ nên các ngành ước tính khoảng 11 – 12 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính giá năm 2017 thì sau khi đối trừ Công ty Cửu Long đã cơ bản hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nếu theo giá năm 2002 (chưa đối trừ) thì chủ đầu tư còn thiếu tiền sử dụng đất.
Với diện tích tăng thêm hơn 4.000m2, nếu tính theo giá tại thời điểm năm 2003 (thời điểm UBND TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án với đơn giá 1.350.000 đồng/m2) thì diện tích 4.312m2 đất trên có giá trị gần 5,8 tỷ đồng. Còn nếu tính theo giá tại thời điểm hiện nay (tạm tính 16,8 triệu đồng/m2) thì diện tích đất trên có giá hơn 72 tỷ đồng.
Đối với diện tích đất ở các hộ đang sử dụng tăng so với diện tích đất ở chủ đầu tư đã bán cho các hộ dân (khoảng 531 m2), giao UBND quận Ngô Quyền rà soát, truy thu tiền sử dụng đất của các hộ dân có diện tích đất tăng thêm theo giá đất cụ thể tại thời điểm hiện nay trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.