Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi: Đừng để “1 tiền gà, 3 tiền thóc”
Để đầu tư hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, doanh nghiệp (cơ sở chăn nuôi) phải đầu tư chi phí gấp 3 lần xây dựng nhà xưởng, trang trại.
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Quốc Việt, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có công suất khoảng 3.000 con. Để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải của trang trại này, ông Việt đã bỏ ra số tiền gần 1 tỷ đồng.
“1 tiền gà, 3 tiền thóc”
Theo quan sát của PV, toàn bộ nước thải của trang trại được dẫn qua 1 rãnh chảy vào bể chứa khoảng 100m3. Khi lượng nước đổ ra bể chứa đầy sẽ chảy tràn ra bể biogas (thực chất là 1 cái ao được lót và phủ bạt nilon). Nước từ bể biogas này sẽ được đổ ra 2 chiếc ao trước khi đổ trực tiếp ra sông Thái Bình. Theo ông Việt, đây là hệ thống xử lý phân chăn nuôi do ông tự thiết kế, xây dựng nên chi phí giảm rất nhiều. “Nếu như thiết kế hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn thì phải chi phí rất lớn, gấp 3 lần đầu tư xây dựng nhà xưởng chăn nuôi 1 trang trại”, ông Việt cho biết.
Theo Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Dự thảo đề ra giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi với các yếu tố: PH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng, tổng ni-tơ,…khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và một số chuyên gia cho rằng các thông số đưa ra tương đối phù hợp với các nước trên thế giới và tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (cơ sở chăn nuôi) sẽ phải chi phí xử lý môi trường rất lớn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân yêu cầu: Quy chuẩn đưa ra phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thừa khoa học, thiếu thực tế
Theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi, tất cả các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ đều phải kiểm tra chất lượng nước thải. Điều này làm khó cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi nông hộ.
Ông Lê Văn Mạnh, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết, trang trại của ông chỉ nuôi khoảng 1.000 – 2.000 con gà mỗi lứa. Nước thải từ chăn nuôi gà hầu như không có bởi chuồng gà được trải trấu để thu gom phân gà hàng tuần phục vụ cho việc làm phân bón nông nghiệp. “Chúng tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi tốn kém hàng trăm triệu đồng thì chắc không có chủ trang trại nào dám tính đến chuyện chăn nuôi. Bởi mỗi lứa gà, nếu “thông đồng bén giọt” thì được 10 – 20 triệu, gặp phải dịch thì coi như mất trắng. Như vậy sẽ không có kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý chất thải như vậy”, ông Mạnh chia sẻ.
Ngày 27/6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) lấy ý kiến chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư đang sửa đổi theo hướng các cơ sở chăn nuôi có quy mô nước thải dưới 5m3/ngày thì phải thực hiện giám sát chất lượng nước thải, tức là phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm.
Việc kiểm tra chất lượng nước thải này được cho rằng là biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn so với việc chỉ yêu cầu hệ thống thu gom, lắng ủ và hệ thống biogas, đệm lót sinh học vốn chỉ cần kiểm tra trực quan. “Khi mà việc thực hiện quy định cũ vẫn còn bị đánh giá là khó khăn, bất cập thì liệu có thể đảm bảo tính khả thi của quy định mới chặt chẽ hơn? Hơn nữa quy định này không có mức sàn dưới, được hiểu rằng các hộ dân nuôi một vài con lợn, con gà cũng phải kiểm tra chất lượng nước thải”, một đại diện VCCI cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
11:30, 19/04/2019
Nghịch lý “quy định xử lý nước thải”: Cơ quan chức năng nói gì?
06:30, 31/01/2019
Nghịch lý “quy định xử lý nước thải”: Giấy phép con hành doanh nghiệp?
06:30, 30/01/2019
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, chúng ta đang hướng tới chăn nuôi trang trại song chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn, trên 50%, thậm chí lên tới 70%. Nếu đòi hỏi người dân chăn nuôi chỉ một vài con lợn, vài chục con gà vịt mà phải bảo đảm xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường là điều rất khó, thậm chí hơi viển vông. Cơ quan quản lý lấy đâu ra người mà đi kiểm tra hàng triệu hộ chăn nuôi nông hộ? Do vậy, chỉ nên đưa ra quy chuẩn kỹ thuật đối với chăn nuôi trang trại tập trung, còn quy mô chăn nuôi nông hộ nên khuyến cáo người ta chấp hành như không gây mất vệ sinh môi trường khu vực sinh sống bằng các biện pháp cụ thể nào đó.
Xây dựng quy chuẩn là ý tưởng…chuẩn. Thế nhưng, “chuẩn” từ chính sách đến cuộc sống là cả khoảng cách. Nhiều ý kiến cho rằng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi khó đi vào thực tiễn.