Vụ Asanzo nhập hàng Trung Quốc gắn nhãn Việt Nam: Hồi hộp chờ kết luận!

Bảo Lam (tổng hợp) 28/07/2019 10:34

Vụ việc tại Asanzo tiếp tục là tâm điểm dư luận trong tuần qua, đặc biệt sau thông tin hai tuần nữa sẽ có kết luận về vụ này.

Vụ việc thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận, do không ít người trong số đó đã và đang sở hữu sản phẩm của Asanzo vì tin vào mác “Made in Việt Nam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” mà hãng này thường xuyên sử dụng để quảng cáo sản phẩm của mình.

Cùng DĐDN điểm lại diễn biến gần đây của vụ việc.

Theo nhìn nhận của các cơ quan liên quan, Asanzo không đủ điều kiện ghi xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa của mình.

Theo Báo Tuổi trẻ, từ năm 2014 đến nay có gần 20 doanh nghiệp (trong đó có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam) nhập khẩu số lượng lớn đồ điện tử gia dụng nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. 

Sau khi thông quan và đưa ra thị trường lưu thông (và xuất khẩu sang Lào) thì tem nhãn đồ điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo lại ghi xuất xứ Việt Nam. Riêng sản phẩm tivi và máy lạnh thì Asanzo chủ yếu nhập linh kiện thông qua đối tác (chỉ nhập trực tiếp số ít) để lắp ráp. Nguồn gốc các linh kiện cũng có C/O Trung Quốc.

"Asanzo không đủ điều kiện ghi xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa của mình. Về nguyên tắc phải ghi “Lắp ráp tại nhà máy Asanzo. Xuất cứ linh kiện: Trung Quốc” thì người tiêu dùng sẽ không phản ứng". - Báo Tuổi trẻ dẫn lời của các chuyên gia luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai tuần nữa sẽ có kết luận về vụ Asanzo

    16:23, 25/07/2019

  • Khởi tố vụ công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo

    11:55, 24/07/2019

  • Lối thoát nào cho Asanzo?

    08:20, 21/07/2019

  • Asanzo làm gì để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng?

    02:00, 21/07/2019

  • Từ vụ Asanzo: Doanh nghiệp được sản xuất hàng "Made in the world"

    11:05, 20/07/2019

  • Từ Asanzo… tới bộ tiêu chí cho "Made in Vietnam"

    05:10, 18/07/2019

  • “Nóng” Asanzo: Gấp rút xây dựng quy định xuất xứ Việt Nam

    06:03, 04/07/2019

  • Chuyển cơ quan điều tra vụ công ty nhập hàng Trung Quốc mang nhãn hiệu Asanzo

    14:22, 02/07/2019

  • Asanzo và “điểm mờ” quản lý nhà nước

    14:00, 01/07/2019

  • Khủng hoảng Asanzo và cách ứng xử với OEM/VAR

    06:30, 26/06/2019

Asanzo có "đội lốt" hàng Việt Nam?

Chia sẻ về lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP HCM kiểm tra tháng ngày 7/9/2018, CEO tập đoàn Asanzo - ông Phạm Văn Tam khẳng định, Asanzo đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018. Trước đây, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao, do vậy Asanzo đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước.

Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là TV và điều hòa không khí. Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

 CEO tập đoàn Asanzo - ông Phạm Văn Tam: "Sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam". 

Theo ông Tam, thời điểm nửa đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo vẫn còn láp ráp các mặt hàng điện gia dụng. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa. Thời điểm này Asanzo giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ, ông Tam cho biết.

Chính vì vậy, kể từ thời điểm đó, trên thị trường xuất hiện 2 dòng sản phẩm khác nhau nhưng cùng modern và logo Asanzo. Nhánh thứ nhất bao gồm các thiết bị điện gia dụng được Asanzo lắp ráp trong nửa đầu năm 2018 trở về trước và gắn nhãn Việt Nam. Với nhánh thứ 2, những thiết bị này được các công ty phụ trợ của Asanzo nhập khẩu về Việt Nam và có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo ông Phạm Văn Tam, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước.

CEO của Asanzo cho rằng, công ty của ông có thế mạnh về mảng đồ điện tử nên đang tập trung vào việc sản xuất các mặt hàng này. Với việc nhượng quyền các sản phẩm đồ gia dụng dù đã ngừng sản xuất, mục đích của hành động này là muốn các cửa hàng và đại lý Asanzo đa dạng hơn về mặt hàng và từ đó có thêm thu nhập. 

Tước danh hiệu vì gây tổn thương người tiêu dùng

Ở một diễn biến khác, chiều 21/6, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp đang được lưu trữ tại văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp cho biết là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (được bình chọn) tại 2 nhà máy gồm nhà máy 1 rộng 5.000 m2 và nhà máy 2 rộng 1.740 m2 là không đúng với thực tế. 

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam: Hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo

“Như vậy bên cạnh thông tin điều tra của báo chí, chúng tôi cũng có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo, cũng là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận. Từ đó, chúng tôi thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng”, bà Hạnh khẳng định.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho biết Ban chấp hành Hội sẽ tập trung tổng rà soát tất cả danh sách doanh nghiệp được bình chọn 2019 trong tình hình đặc biệt hiện nay, việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.

Đang xác minh làm rõ vụ việc

Ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo trước nghi án hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Qua đó, có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.

Chiều tối 24/6, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Công ty Sa Huỳnh nhập sản phẩm thương hiệu Asanzo

Ngày 25/7, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đang điều tra Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh liên quan đến vụ nhập khẩu cả ngàn chiếc lò nướng mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc nhưng khai linh kiện.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh có công văn giải trình gửi cơ quan hải quan với lý do “đối tác gửi nhầm hàng”. 

Vụ việc trên do Cục Hải quan TPHCM phát hiện, chuyển hồ sơ cho Công an TPHCM. Theo Cục Hải quan TPHCM, tháng 9/2018, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, khai báo nhập khẩu lô hàng là linh kiện của lò nướng thủy tinh gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu thủy tinh lò nướng, thiết bị đếm thời gian lò nướng, hàng mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Trị giá hàng hóa trên 212 triệu đồng.

Phát hiện lô hàng có nghi vấn, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TPHCM) đã ra quyết định khám xét và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thực hiện việc khám phương tiện đồ vật.

Khám container hàng nhập khẩu của Công ty Sa Huỳnh, cơ quan hải quan phát hiện toàn bộ hàng hóa gồm 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ, hiệu Asanzo, được tháo rời, mới 100% nhưng không thể hiện xuất xứ.

Theo lãnh đạo Đội kiểm soát Hải quan, mặt hàng nhập khẩu nêu trên là dạng nguyên chiếc thuộc diện phải kiểm tra theo Quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, công ty này khai báo gian dối là “linh kiện nhập khẩu” nhằm tránh phải kiểm tra chất lượng.

Sau khi lô hàng bị Cục Hải quan TPHCM phát hiện, bắt giữ, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh có công văn giải trình gửi cơ quan hải quan với lý do “đối tác gửi nhầm hàng”. 

Mở rộng điều tra, Cục Hải quan TPHCM phát hiện doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, hồ sơ nhập khẩu hàng bị làm giả nên đã chuyển hồ sơ cho Công an TPHCM tiếp tục làm rõ.

Liên quan đến vụ việc, tại một hội nghị tổ chức hôm qua (25/7) tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan cho biết: “Đối với nhãn hiệu của Asanzo, chúng tôi đã khởi tố vụ án, chuyển công an về hành vi một công ty con nhập khẩu hàng giả mạo thiết bị Việt Nam để đưa hàng vào nước ta tiêu thụ, sau đó giả mạo nhãn mác. Chúng tôi sẽ tiếp tục đang xác minh điều tra sâu vấn đề này”, ông Cẩn nói.

Asanzo sẽ xem xét kiện Sa Huỳnh

Công ty Asanzo cho rằng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh này không có bất kỳ quan hệ thương mại hay sở hữu phần vốn góp nào trong Công ty Sa Huỳnh. Việc Công ty Sa Huỳnh sử dụng thương hiệu Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu là hành vi xâm phạm thương hiệu Asanzo.

Đồng thời, chủ sở hữu thương hiệu Asanzo cũng đang làm việc với luật sư xem xét khởi kiện Công ty Sa Huỳnh về hành vi sử dụng thương hiệu Asanzo.

Về các công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện đầu vào: liên quan đến 14 công ty khác được đề cập tại Báo Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ tìm hiểu lại thông tin và kiểm tra lại xem các công ty này có mối quan hệ thương mại, đối tác nào với chúng tôi hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các công ty này là những pháp nhân riêng biệt, không có quan hệ sở hữu với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo”, thông báo Công ty Asanzo nêu rõ.

Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ

Theo đơn khởi kiện của Asanzo, việc báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Điều tra lật tẩy Asanzo” với nhiều cáo buộc gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp này.

Cụ thể, các tội danh mà báo Tuổi Trẻ quy kết cho Asanzo như “thay đổi xuất xứ hàng hóa”, “lừa người tiêu dùng”, “qua mặt cơ quan quản lý”, “lập công ty ma”… là hoàn toàn sai sự thật, xuyên tạc khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hay bản án có hiệu lực pháp luật.

Asanzo khẳng định: "Tội danh giả xuất xứ hàng hóa mà báo Tuổi Trẻ quy kết cho chúng tôi và mô tả quy trình sản xuất TV cắt xén nhiều khâu một cách có chủ ý, khiến người đọc hiểu sai về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty chúng tôi là 2 quy kết nguy hại nhất, là 2 nguyên nhân chính gây nên tổn thất cho việc kinh doanh của công ty chúng tôi”.

Asanzo khởi kiện yêu cầu báo Tuổi Trẻ cải chính thông tin, công khai xin lỗi, đồng thời giải quyết bồi thường thiệt hại (bao gồm không chỉ giới hạn ở tổn thất doanh thu, tổn thất về hình ảnh, chi phí luật sư suốt quá trình tố tụng)...

Chờ kết luận vụ việc sau 2 tuần nữa

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong 2 tuần nữa, Hải quan sẽ đưa ra kết luận về vụ việc này.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian vừa qua nổi lên gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn các lực lượng.

Một số phương tiện truyền thông phản ánh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Ông Cẩn cho biết, "Trong nhiều năm chúng tôi bắt, khởi tố nhiều vụ. Hiện nay đang nóng vụ Asanzo, chúng tôi đã khởi tố vụ án, chuyển cho cơ quan công an về hành vi một công ty nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác. Đang xác minh điều tra sâu", ông Cẩn nói.

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số ý kiến cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi này. Chúng tôi sẽ làm sâu... Nếu làm như thế này, như giải thích của một số Bộ thì giống như một con lợn nhập khẩu từ Trung Quốc về, xẻ làm đôi, nếu mang xuất khẩu thì mang xuất xứ Trung Quốc. Nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì mang xuất xứ của Việt Nam. Điều này là vô lý, mà không có nước nào làm như vậy", ông Cẩn phân tích.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng khẳng định lực lượng chức năng sẽ sớm đưa ra kết luận trong vòng 2 tuần, để hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm sớm được ngăn chặn. 

Bảo Lam (tổng hợp)