Phú Yên: Doanh nghiệp sẽ “chết yểu”, nếu chính quyền cố “gọt chân cho vừa giày”!
Chính quyền địa phương cần phải loại bỏ tư tưởng “gọt chân cho vừa giày”, nếu không doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng "chết yểu", và trở thành tiền lệ xấu trong thu hút đầu tư.
Đó là chia sẻ của PGS TS Nguyễn Du Sanh – Giảng viên Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP HCM với PV DĐDN sau loạt bài phản ánh về việc chính quyền tỉnh Phú Yên đã vô cớ dừng dự án của doanh nghiệp.
Như DĐDN đã thông tin trước đó, mặc dù Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Phú Khánh Việt (Công ty Phú Khánh Việt) không vi phạm bất cứ điều gì liên quan tới việc triển khai dự án Trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt, tại địa chỉ số 80 Nguyễn Huệ, phường 5, TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
Thế nhưng, tại Thông báo số 1570/TB-UBND ngày 04/7/2019 của UBND thành phố Tuy Hòa lại “tạm dừng thi công triển khai dự án Trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt”, đẩy doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đang là tâm điểm dư luận.
Nhà đầu tư “chết yểu”…
Chia sẻ về vụ việc nêu trên, PGS.TS Nguyễn Du Sanh, bình luận: Chúng ta vẫn thường nhắc câu thành ngữ “Gọt chân cho vừa giày” để chỉ sự vụng chèo khéo chống của ai đó khi cố tình đánh tráo khái niệm, chỉnh sửa một vấn đề gì đó để cho nó phù hợp rồi bắt mọi người phải làm theo. Và vấn đề này không khó để hiểu câu thành ngữ, nếu chúng ta hiểu rằng thay vì chọn giày cho vừa đôi chân của mình, thì người ta lại chọn cách “gọt chân”, và với hy vọng làm sao cho nó vừa với đôi giày.
Đây là một khái niệm, việc làm hài hước và khó có thể chấp nhận nếu sự việc này được áp dụng cho một doanh nghiệp.
"Lo ngại hơn là cách làm này thường là nhìn thấy rồi về ban hành, soạn thảo theo ý chủ quan, một cách chung chung rồi yêu cầu các đơn vị phải thực hiện, doanh nghiệp phải tuân thủ, theo kiểu mệnh lệnh là hết sức khó coi. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, mà còn làm suy giảm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước" - PGS TS Sanh phân tích.
Cũng theo PGS TS Nguyễn Du Sanh, trên thực tế, trong công tác điều hành của nhiều địa phương, thậm chí là các bộ ngành vẫn còn tồn tại những tư tưởng về tình trạng “nhiệm kỳ sau cứ đi điều chỉnh chủ trương, quy hoạch, kế hoạch nhiệm kỳ trước, xem nó là mới lạ để lấy thành tích” là hết sức nguy hiểm.
Có thể nói, tình trạng này thường xuất hiện ở một số địa phương đang phát triển và chậm phát triển lại càng trở lên nóng hơn. Câu chuyện của Cty Phú Khánh Việt và chính quyền tỉnh Phú Yên là một ví dụ thực tế.
"Một vấn đề rất đáng lên án ở câu chuyện này là chính quyền chưa đưa ra được lý cụ thể nhưng lại ra thông báo dừng dự án của doanh nghiệp là hết sức cảm tính. Giả sử, trong quá trình thực hiện, chính quyền nghi ngờ có vấn đề gì sai (nghi ngờ, cảm tính, chưa chính xác...) và có ý định chỉnh sửa, điều chỉnh các quy định, thể chế cũ để phù hợp với thực tại, thay vì chúng ta rà soát một cách cẩn thận, tỉ mỉ… trước khi quyết định thì chúng ta lại quá vội vàng, thậm chí quên luôn một vấn đề hết sức sơ đẳng, nhưng lại đặc biệt quan trọng, đó là “yếu tố lịch sử” là khó có thể bỏ qua.
… và là “tiền lệ xấu”
Liên quan tới đơn kêu cứu của doanh nghiệp và phản ứng của dư luận, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, ông Lê Hữu Tình – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu tỉnh Phú Yên, chia sẻ: Trong cuộc đua về phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, việc chính quyền tỉnh Phú Yên ra thông báo dừng dự án của doanh nghiệp, trong khi chưa đưa ra được lý do chính đáng là hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư, đặc biệt ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Lê Hữu Tình, thông tin mà các cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh về việc Phú Yên trong thời gian vừa qua, có thể nói là một áp lực lớn đối với chính quyền địa phương. Và có lẽ cũng từ yếu tố này đã dẫn tới cách xử lý chưa hợp lý, có phần nóng vội của chính quyền địa phương. Sự nóng vội trên đã vô tình làm tổn thương, ảnh hưởng tới tâm lý của doanh nghiệp và dẫn tới những phản ứng mạnh của doanh nghiệp là điều dễ hiểu.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên: Doanh nghiệp lao đao vì chính quyền tạm dừng triển khai dự án
14:05, 19/08/2019
Phú Yên: Tạm dừng triển khai dự án để rà soát hay "bức tử" doanh nghiệp?
05:40, 23/08/2019
UBKT Tỉnh ủy Phú Yên: “Không chỉ đạo chính quyền dừng dự án của doanh nghiệp”
05:12, 03/09/2019
Phú Yên đẩy mạnh tái cấu trúc và kết nối cung cầu "nông - lâm - thủy sản"
19:00, 15/08/2019
"Ở góc độ là doanh nghiệp, doanh nhân tại địa phương, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ nỗi lòng, sự nóng ruột của lãnh đạo địa phương trong việc nỗ lực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, để sánh vai với các địa phương lân cận, giảm thiểu những áp lực nguồn ngân sách cho Trung ương. Bên cạnh đó, sự tiên phong của lãnh đạo địa phương, trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ tiềm lực, năng lực tài chính đầu tư về địa phương trong thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận. Song, trong vụ việc này, chính quyền địa phương lại xử lý một cách nóng vội như vậy là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chính quyền địa phương cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết đoán, sáng suốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án càng sớm càng tốt, nếu không đây sẽ là “tiền lệ xấu”, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư cũng như quá trình cải thiện PCI của địa phương" – ông Tình đưa ra quan điểm.
Trao đổi với DĐDN về hướng xử lý của chính quyền tỉnh Phú Yên khi ra thông báo tạm dừng dự án của doanh nghiệp, ông Ngô Đình Thiện – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: Hiện tại UBND tỉnh đã ra văn bản yêu các sở ngành, rà soát các thủ tục, văn bản pháp lý theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh để làm căn cứ ra quyết định tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thiện, trên tình thần cầu thị, cởi mở, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền cam kết sẽ xử lý nhanh những vẫn đề bức xúc của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
"Trong một xu hướng mới, đặc biệt sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin, rất mong các cơ quan báo chí hãy đồng hành và chia sẻ cùng địa phương, doanh nghiệp, tuyên truyền, định hướng dư luận những cách làm hay, mới lạ từ các tỉnh khác, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài để Phú Yên học hỏi và cùng nhau phát triển thay vì chúng ta lên án quá nhiều những mặt hạn chế của địa phương, đặc biệt là những thông tin chưa thực sự đầy đủ sẽ làm ảnh hướng rất lớn tới môi trường đầu tư, mất mát lớn cho địa phương. Vì vậy, rất mong VCCI cũng như báo DĐDN tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện cho Phú Yên để cùng phát triển" – ông Thiện nói.