“Cởi trói” cho than, “bất an” cho tỉnh?

Trung Thành – Lê Cường – Đức Tâm 27/09/2019 11:20

Sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển, ngành than “than” gặp khó, nhất là việc thăm dò, khai thác than tại các khu vực chồng lấn.

Thế nhưng, “nới” cho ngành than thì cũng đồng nghĩa với việc địa phương phải chịu thiệt thòi. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành than mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành sau khi làm việc với ngành này.

p/Ngành than đang gặp nhiều khó khăn trong việc thăm dò, khai thác ảnh hưởng đến nguồn cung ứng than trong giai đoạn tới. (Ảnh: Mỏ than lộ thiên Hà Tu)

Ngành than đang gặp nhiều khó khăn trong việc thăm dò, khai thác ảnh hưởng đến nguồn cung ứng than trong giai đoạn tới. (Ảnh: Mỏ than lộ thiên Hà Tu)

Các bộ ngành cùng tháo gỡ cho than

Theo ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc khai thác than lộ thiên được TKV thực hiện ở 3 khu vực: Uông Bí - Mạo Khê; Hạ Long, Cẩm Phả - Cửa Ông. Tại Uông Bí - Mạo Khê chủ yếu là các vỉa nhỏ lẻ. Tại Hạ Long có 4 dự án khai thác than lộ thiên: Suối Lại, Núi Béo, Bắc Bàng Danh - Hà Tu và Hà Lầm. Ở Cẩm Phả có 7 dự án, trong đó có 4 dự án khai thác lộ thiên lớn: Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Tây Nam Đá Mài.

Quyết định 403/2016 và Quyết định 1265/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến 2030 xác định rõ, đến hết năm 2019 kết thúc khai thác 4 dự án than lộ thiên trên địa bàn TP.Hạ Long; Hết năm 2020, kết thúc khai thác lộ thiên đối với dự án than lộ thiên vỉa 13, 16 mỏ than Hà Ráng; Hết năm 2021, kết thúc khai thác đối với dự án khai thác lộ thiên khu Khe Hùm, Bù Lù- mỏ Tân Lập. Từ năm 2022, Tổng công ty Đông Bắc chỉ được phép khai thác than sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền về đầu tư chấp thuận điều chỉnh thời gian khai thác. Đến hết năm 2022, kết thúc khai thác đối với Dự án mở rộng khai thác lộ thiên mỏ Suối Lại. Hết năm 2025 kết thúc khai thác đối với dự án khai thác lộ thiên Khu Bắc Bàng Danh - mỏ Hà Tu.

Như vậy, ngành than đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thăm dò, khai thác than làm ảnh hưởng đến cung ứng than và nguy cơ thiếu than trong giai đoạn tới, nhất là giai đoạn 2020 đến năm 2030.

Để tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho TKV thực hiện được kế hoạch đề ra trong những năm tới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ: TN&MT, Công Thương, Xây dựng, NN&PTNT và các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực than theo Quy hoạch 403 với các quy hoạch trên địa bàn các tỉnh có tài nguyên than và chồng lấn với diện tích đất rừng trong vấn đề triển khai thăm dò, khai thác và chế biến than đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV

    Chính phủ tháo gỡ khó khăn chồng lấn khu vực khai thác than cho TKV

    19:33, 03/09/2019

  • Nhà Máy Tuyển than Nam Cầu Trắng:p/Chưa thể di dời?

    Nhà Máy Tuyển than Nam Cầu Trắng: Chưa thể di dời?

    16:17, 26/09/2019

  • Quảng Ninh: Người dân hoang mang trước quyết định thu hồi “0 đồng”

    Quảng Ninh: Người dân hoang mang trước quyết định thu hồi “0 đồng”

    11:20, 22/08/2019

Bộ TN&MT khẩn trương hướng dẫn TKV thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác, gia hạn giấy phép khai thác rút ngắn thời gian cấp phép, để TKV nhanh chóng triển khai các công việc theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia sớm tiếp nhận, thẩm định các báo cáo địa chất để làm cơ sở lập dự án. Trong đó, tập trung rà soát để cấp phép khai thác các dự án mới có công suất khai thác lớn như: mỏ Khe Chàm II&IV, -150m mỏ Mạo Khê... nhằm sớm huy động sản lượng của các dự án...

Than bốc đi, núi đất ở lại

Mặc dù được Chính phủ “giải nguy” nhưng tỉnh Quảng Ninh không “mặn mà” lắm với đề nghị của ngành Than xin gia hạn quyết định 403 của Thủ tướng. Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các khu vực khác cũng thực hiện theo đúng quy định của Quy hoạch 403 của Thủ tướng Chính phủ và cũng có xem xét đề nghị của ngành Than xin gia hạn quyết định 403 của Thủ tướng để khai thác được hết tài nguyên than còn lại.

Tuy nhiên, xét về góc độ lợi ích về kinh tế, về môi trường, về phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP.Hạ Long nói riêng, thực hiện theo Quyết định 403 của Thủ tướng cũng phù hợp với quy hoạch của ngành Than và phục vụ cho phát triển của tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cũng như quy hoạch của TP.Hạ Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo nhiều chuyên gia, để bốc 1 tấn than nguyên khai lộ thiên thì phải bóc 10 - 12m3 đất đá nên mức độ nguy hiểm tăng cao. Khi các mỏ than lộ thiên bị bốc đi, sẽ để lại những núi đất thải, đá thải, xỉ thải khồng lồ nhân tạo: Cọc Sáu cao 280m, nam Đèo Nai cao 200m, đông Cao Sơn cao 250m và đông bắc Bàng Nâu cao 150m… sát cạnh những lòng moong âm hàng trăm mét so với mực nước biển. Đến thời điểm này, nhiều mỏ lộ thiên tại Cẩm Phả đã âm ở mức quá giới hạn cho phép là -300m (so với mặt biển), nhưng vẫn tiếp tục khoan thăm dò khai thác, gây ra những tác hại về cấu tạo địa chất, làm tiền đề cho những thảm họa khác như lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung TP.Hạ Long. Theo đó, định hướng rất rõ, phải làm sao để phát triển Hạ Long theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nơi đây là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện và trung tâm dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV cũng đã có Nghị quyết xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ và công nghiệp.

Trung Thành – Lê Cường – Đức Tâm