Tháo bỏ rào cản để hộ kinh doanh có động lực  

Nguyễn Việt 18/10/2019 12:38

Hộ kinh doanh sẽ được công nhận là hình thức kinh doanh như các doanh nghiệp, có địa vị pháp lý, được quyền mở văn phòng đại diện...

Đây là một trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mà ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư đã trình bày trong phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 16/10 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sẽ có nhiều cơ hội lớn đối với các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Sẽ có nhiều cơ hội lớn đối với các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Thẩm định trước đó dự thảo luật này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, phần lớn các thành viên Uỷ ban đồng tình việc đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. "Hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng", ông Thanh nói.

Không thể gạt hộ kinh doanh ra ngoài chính sách hỗ trợ

Cũng theo cơ quan thẩm tra, trên thế giới chỉ 2 nước còn quy định về hộ kinh doanh là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định nghĩa vụ pháp lý, chính sách hỗ trợ... cho đối tượng này trong mối tương thích với các luật hiện hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Câu chuyện vươn tầm của hộ kinh doanh

    Câu chuyện vươn tầm của hộ kinh doanh

    10:05, 05/10/2019

  • Gỡ khó cho hộ kinh doanh

    Gỡ khó cho hộ kinh doanh

    18:03, 17/09/2019

  • Thông tư 47/2019/TT-BTC: Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

    Thông tư 47/2019/TT-BTC: Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp

    15:08, 03/09/2019

  • Có nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?

    Có nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?

    01:02, 12/08/2019

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw cho rằng, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp “hộ gia đình”, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan, ngay cả các nước phát triển cũng duy trì loại hình doanh nghiệp này với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Thế nhưng, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh (ĐKKD); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, hộ gia đình có ĐKKD là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, dịch vụ. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có ĐKKD; bổ sung một chương trong Luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có ĐKKD hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình ĐKKD.

Với các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, có lẽ khó khăn sẽ thấy ngay trước mắt còn thuận lợi mới chỉ dừng lại ở "nghe nói". Tuy nhiên, phải thực sự va vấp trong qua trình làm việc họ sẽ thấy rằng những e ngại về thủ tục hành chính, chứ không hề như họ nghĩ. Ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa đánh giá, sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong việc huy động vốn. Việc chuyển đổi thành doanh nghiệp giúp quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và là cơ hội tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

“Với những hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành doanh nghiệp, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp và tạo điều kiện ngày càng phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ quan Thuế đặt mục tiêu trong việc phát triển doanh nghiệp không chỉ gia tăng về số lượng mà còn phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất cho doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Ông Hùng khẳng định, Cục Thuế Hà Nội sẽ cùng các cấp chính quyền hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế, động viên khuyến khích những hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đi vào ổn định trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho cả người nộp thuế và xã hội.

Phải hình thành thế hệ doanh nghiệp lớn mạnh

Thực tế, hộ kinh doanh đang chiếm đến hơn 30% GDP, nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.

Liên quan vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác như thuế, kế toán, đất đai, lao động… nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Và như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc từng nhiều lần khẳng định, cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh. “Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, một mặt phải giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các Luật Thuế và Luật Kế toán thời gian tới. Mặt khác, tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nguyễn Việt