Doanh nghiệp gạch “đói” đá xít (Kỳ III): Chính quyền đưa giải pháp, TKV vẫn lắc đầu?
Trước đó, DĐDN đã có loạt bài phản ánh về việc nhiều nhà máy gạch tại Quảng Ninh gặp khó khăn do nguyên liệu sản xuất là đất sét ngày càng khan hiếm, trong khi đá xít thay thế lại bỏ đi lãng phí.
Vấn đề tưởng như đã được giải quyết khi chính quyền địa phương vào cuộc và đưa ra giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng không hiểu vì sao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại không đồng ý?
Thành lập trung tâm mua, bán và chế biến xít là giải pháp được thị xã Đông Triều đưa ra, giải pháp này nhằm mục đích thu gom xít thải vào một mối, rồi từ đó phân phối cho các đơn vị sản xuất gạch, ngói.
TKV không đồng tình
Ông Nguyễn Ngọc Thìn, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Triều cho biết, một trong những lý do mà TKV không cho bán xít than trên địa bàn Quảng Ninh là lo ngại một số đối tượng sẽ lợi dụng xít để tuồn than trái phép ra ngoài, việc này sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên.
“Vì vậy, giải pháp mà Đông Triều đưa ra là nhằm mục đích thu gom một mối, giao cho đơn vị đủ năng lực khai thác, quản lý và phân phối trong sự giám sát chặt chẽ của địa phương, việc này chắc chắn sẽ đảm bảo không có sự nhập nhèm than, xít”, ông Thìn cho biết.
Cũng theo ông Thìn, Đông Triều là địa bàn có số lượng doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói nhiều nhất tỉnh (trên 12 doanh nghiệp), mỗi năm cho ra hàng triệu viên gạch đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên thời gian gần đây, sản lượng đang giảm dần, nguyên nhân là khó khăn trong nguyên liệu sản xuất.
“Đúng như các doanh nghiệp kiến nghị, hiện nay nguồn đất sét ruộng, nguyên liệu chính để sản xuất gạch đang dần cạn kiệt. Mặt khác, việc khai thác quá nhiều đất sét ruộng cũng gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, tư liệu sản xuất trong nông nghiệp. Vì vậy, cần phải có một giải pháp thay thế và đó chính là xít than”, ông Thìn nói và cho biết thêm, chúng tôi đã trao đổi với TKV tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa nhận được đồng tình của TKV?
Cần câu trả lời từ TKV
Nói về giải pháp trên, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc công ty Gạch Ngói Kim Sơn, Đông Triều khẳng định, đây là giải pháp rất hay, nó giải quyết hài hòa giữa quyền lợi doanh nghiệp và quản lý tài nguyên. “Trước đây, doanh nghiệp tôi cũng đã từng xây dựng trung tâm chế biến xít để vừa có nguyên liệu sản xuất vừa cung cấp cho các doanh nghiệp khác, việc đang suôn sẻ thì xít bị cầm bán, từ đó các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Cường cho biết.
Nhấn mạnh về lợi ích của xít than trong sản xuất gạch, ông Cường cho biết, gạch được sản xuất từ đá xít thải có chất lượng tương đương so với gạch sản xuất từ đất sét và có thể sử dụng cho các công trình xây dựng công nghiệp, giao thông và dân dụng.
Ông Cường nêu ví dụ, ở CHLB Nga: Công nghệ sản xuất từ nguyên liệu đá xít thải đã được áp dụng tại các nhà máy tuyển than Abasebxki, Karagandiski, Novokuznheski vùng Luski. Sản phẩm gạch có độ bền nén 110 – 120 kg/cm2 được cung cấp cho công ty xây dựng dân dụng và công nghiệp.
“Ngoài ra việc sử dụng xít than còn giúp giảm thiểu chất thải qua việc tái sử dụng, giảm chi phí vận chuyển; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giúp tiết kiệm năng lượng”, ông Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp gạch “đói” đá xít, ngành than đổ đi (Kỳ II): Doanh nghiệp gạch ngói kêu cứu!
07:00, 19/10/2019
Quảng Ninh: Loay hoay "chặn" đánh bắt tận diệt
05:00, 28/10/2019
Hạ Long (Quảng Ninh): Tiếng kêu cứu từ rừng ngập mặn
10:30, 20/10/2019
Ông Nguyễn Văn Đáng, Giám đốc công ty Gạch Thắng lợi nói thêm, rõ ràng là rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, kỳ lạ là các doanh nghiệp tại Hải Dương, Hải Phòng thì được phép mua xít trong khi doanh nghiệp Quảng Ninh những đơn vị vẫn hàng ngày sản xuất, đóng góp cho sự phát triển của vùng đất này lại không được mua?
“Nguồn đất sét ngày càng hiếm, các doanh nghiệp sản xuất gạch “đói” nguyên liệu và có nguy cơ “chết yểu”, trong khi nguồn xít có thể thay thế thì lại bị bỏ đi một cách lãng phí. Đây rõ ràng là một nghịch lý. Giải pháp của huyện Đông Triều rất hay, không hiểu vì sao TKV vẫn chưa đồng ý?”, ông Đáng đặt câu hỏi.
Để tìm hiểu lý do, DĐDN đã liên lạc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV và chỉ được trả lời vỏn vẹn là, hiện nay tỉnh Quảng Ninh vẫn đang cấm bán xít. Những thắc mắc khác, đề nghị PV gửi câu hỏi qua thư điện tử. Đến nay câu hỏi đã gửi được vài ngày, nhưng vẫn chưa có hồi đáp.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin