Thái Bình: Lại thêm 1 địa phương có dân đi đòi đất đã cho doanh nghiệp thuê
Nhiều năm qua, 36 hộ dân thôn Đông Hòa, xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) liên tục có đơn kiến nghị để đòi lại đất đã cho doanh nghiệp thuê từ năm 2005.
Sau khi Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có 1 loạt bài về việc vì quá bức xúc, người dân thôn Nẽ Châu và thôn Ngũ Lão xã Hòa Bình (Vũ Thư, Thái Bình) đã tiến hành lập lán trại, chặn cổng Công ty CP gốm xây dựng Đại Thắng để đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp từ năm 2005, có thời hạn đến năm 2013. Nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Thái Bình thu hồi và cho doanh nghiệp thuê lâu dài.
Chúng tôi tiếp tục nhận được kiến nghị của 36 hộ dân ở thôn Đông Hòa, xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) cũng liên quan đến việc cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn nhưng bị thu hồi vĩnh viễn mà không hề hay biết.
Theo kiến nghị của người dân thôn Đông Hòa, trong quá trình Công ty CP Vật liệu Hồng Lộc xây dựng nhà máy gạch Tuylen tại địa bàn, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty này đã thương lượng thuê lại đất nông nghiệp của dân từ năm 2005 đến năm 2013.
Ông Bùi Xuân Quý – Thôn Đông Hòa cho biết, thời điểm đó ông Phạm Đức Mão – Chủ tịch UBND xã Hồng Quỳnh đã tuyên truyền, thông báo tới người dân trên loa phát thanh: Ai có diện tích đất tại lô 9 – 10 Bãi Vạn thì ra UBND xã ký nhận tiền đất, UBND xã bán cho ông Đặng Thế Hinh (nguyên giám đốc Công ty Hồng Lộc) 8 năm để xây lò gạch, mỗi sào 7,9 triệu trong 8 năm (từ năm 2005 – 2013). Sau 8 năm UBND xã sẽ trả lại cho bà con diện tích đã bán. Vì vậy, tất cả chúng tôi đã đều đồng tình ký vào danh sách gồm: Diện tích, số tiền, ký nhận.
Sau khi hết hạn chuyển nhượng đất, 36 hộ dân này đã đồng loạt ra UBND xã yêu cầu trả lại đất, với diện tích mà UBND xã đã hứa thì lúc đó mới tá hỏa khi UBND xã đưa ra một tờ đơn chuyển quyền sử dụng đất, 01 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây thì toàn bộ những giấy tờ trên họ chưa thấy bao giờ và không hiểu từ đâu mà có?.
Toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng đều là giả mạo, không có bất kỳ ai trong số chúng tôi ký vào văn bản đó – ông Quý khẳng định.
Để khẳng định cho những lời mình nói, ông Quý còn dẫn chứng việc gia đình bà Vũ Thị Tâm đã chuyển đi Lai Châu từ năm 2004, nhưng bà Tâm vẫn có chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất năm 2006.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mậu Tuyến – quyền chủ tịch UBND xã Hồng Quỳnh cho biết, năm 2013, 36 hộ dân ở thôn Đông Hòa có đơn kiến nghị và sau đó là tố cáo về việc chính quyền kết hợp với doanh nghiệp chiếm đoạt đất của dân. Kể từ đó đến nay, sau nhiều buổi làm việc giữa chính quyền và người dân, nhiều trả lời từ các cấp chính quyền vẫn chưa đi được đến thống nhất.
Tại đây, chúng tôi có đề nghị được xem bản gốc của hợp đồng chuyển nhượng đất giữa các hộ dân và Công ty Hồng Lộc, ông Tuyến cho biết, tại UBND xã chỉ có bản photo công chứng, còn bản gốc của hợp đồng này xã không có?!
Đem những thắc mắc của người dân tới lãnh đạo chính quyền địa phương như: hợp đồng tên một người, nhưng chữ ký là của người khác, có những người không có mặt ở địa phương từ lâu vẫn ký được vào bản hợp đồng? Và câu trả lời của ông Tuyến là sơ suất trong quá trình phô tô tài liệu!.
Có thể bạn quan tâm
Hàng trăm hộ dân đòi lại đất đã cho thuê tại Thái Bình: Quyết định giao đất “thần tốc”?
05:20, 29/10/2019
Thái Bình: Doanh nghiệp sản xuất đình trệ vì bị chặn cổng
08:00, 26/10/2019
Thái Bình: Sau 14 năm trúng đấu giá, vẫn chờ “sổ đỏ”
11:01, 12/09/2019
Được biết, thời gian qua, tại Thái Bình liên tục xảy ra tình trạng người dân đòi lại đất đã cho doanh nghiệp thuê từ những năm 2003, 2005, với lý do là chỉ cho thuê đất có thời hạn (đến năm 2013). Trước đó, Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư cũng đã xảy ra trường hợp tương tự. Thậm chí, nhiều địa phương, người dân còn không ít lần bao vây, cản trở hoạt động của các doanh nghiệp yêu cầu trả lại đất cho họ cũng chỉ vì sự mập mờ trong việc thuê đất có thời hạn nhưng thực chất chính quyền đã thu hồi vĩnh viễn và cho doanh nghiệp thuê lâu dài.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, tại khoản 2 Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013 quy định rõ: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo quy định… Như vậy, trong trường hợp này người dân đã không còn quyền và nghĩa vụ đối với diện tích đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dựa vào những hồ sơ mà người dân cung cấp, nhận thấy có sự mập mờ, chính quyền địa phương vào thời điểm đó đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đưa ra những quyết định và thông tin thiếu minh bạch.