Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Một lựa chọn - đa lợi ích
Rất nhiều người đã đặt câu hỏi rằng tại sao “vụ kiện thế kỷ” của 2 nhà lãnh đạo Tập đoàn Trung Nguyên không thể ngồi lại với nhau, dàn xếp thông qua các trọng tài thương mại hoặc hòa giải viên…
Câu chuyện của 2 nhà lãnh đạo Tập đoàn Trung Nguyen – đôi vợ chồng nổi danh ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục được xới lên tại các phiên tòa xét xử được báo chí tô đậm các tình tiết ly kỳ suốt 2 năm qua.
Tâm lý bị động khi “đụng chuyện”
Thực tế từ hơn năm trước, khi vụ kiện đã được thụ lý ra tòa, PV DĐDN cũng đã đặt câu hỏi này với một Luật sư và nhận được cái lắc đầu đầy nuối tiếc: “Ở góc độ vợ chồng, lẽ ra họ có thể giữ kín các bí mật về cả tài sản, vốn góp kinh doanh lẫn những tranh chấp rất riêng của gia đình, gần như có thể “đóng cửa bảo nhau” để phân chia lợi ích mà không phải “sát phạt” nhau trên phiên tòa, nếu nhờ đến các trọng tài thương mại hoặc hòa giải viên”.
Theo dõi các phiên tòa xét xử của đôi vợ chồng này mà gần nhất là phiên xử kín diễn trong 3 ngày đầu tháng 12 này, PV tiếp tục đặt câu hỏi với luật sư và nhận được câu trả lời khá…sốc: “Nếu không nói đến trường hợp riêng biệt của Trung Nguyên, thì phải nói một cách rộng ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa thực sự coi trọng và chủ động đối với vấn đề pháp lý kinh doanh. Do đó khi đụng chuyện, ở doanh nghiệp có bộ phận pháp lý, pháp chế - thì mọi thứ gần như ủy quyền cho bộ phần này tiếp nhận xử lý. Trong trường hợp muốn làm nguyên đơn chủ động đâm đơn kiện hoặc bị kiện, thì họ sẽ nghĩ đến luật sư và ủy quyền/phó thác mọi thứ cho luật sư để đưa mình ra tòa. Ít chủ doanh nghiệp nào chủ động thương thảo với luật sư của mình rằng: Họ muốn được xử lý mọi việc êm đẹp trong im hơi lặng tiếng – trong tiếng nói phán quyết của hội đồng trọng tài mà vẫn có hiệu lựa thi hành”.
Tại TP HCM, Sở Tư pháp TP HCM cho biết, có tới 17 Trung tâm trọng tài thương mại và 03 Chi nhánh Trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn. Và tính đến 31/12/2018, TP có 555 trọng tài viên.
Quan sát những vụ việc từ nhỏ đến lớn mà PV ghi nhận trong suốt 1 năm qua, nhận xét của vị luật sư nêu trên khá chuẩn xác. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc tiếp nhận đơn kiện của đối tác liên doanh về quyền quản lý dự án, sau đó đã phải đâm đơn kiện ngược doanh nghiệp này vì tranh chấp pháp lý góp vốn giữa hai bên…
Chọn trọng tài thương mại, lợi ích nào?
Có thể nói, đúng như luật sư nhận định hầu hết các doanh nghiệp Việt nam đều vẫn đang có tâm lý bị động trước những tranh chấp pháp lý nhất định. Nhiều lắm thì… nhớ tới luật sư theo cách thức 1 bước tới thẳng công đường. Trình tự “truyền thống” này khiến các vụ tranh chấp liên tục bị đẩy vào từ trường căng thẳng và khiến các bên không còn cơ hội ngồi lại, cùng hòa giải… Trong khi đó, nếu sử dụng trọng tài thương mại, các bên tranh chấp không phải không có điều kiện đàm phán, hòa giải, đạt đến lợi ích kinh tế.
Trường hợp CTCP Tập đoàn Masan (MSN) thắng lớn vụ kiện Cty con của Tập đoàn Jacos tại Australia theo phán quyết của Hội đồng trọng tài quốc tế do Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore chỉ định, và được nhận khoản thanh toán tới 130 triệu USD, đóng góp hơn 1 200 tỷ đồng vài tổng lợi nhuận hợp nhất MSN 9 tháng 2019, là một ví dụ cho thấy lựa chọn dàn xếp đúng, doanh nghiệp luôn có có cơ hội gặt kết quả.
Bên cạnh yếu tố bảo mật vì Trọng tài thương mại thường được xét xử trong quy mô Hội đồng trọng tài khép kín, chi phí thấp, phán quyết của Trọng tài được thi hành án hiệu lực tương đương thi hành án bao gồm thi hành đến cưỡng chế thực thi… thì một ưu điểm của Trọng tài thương mại khiến các doanh nghiệp quốc tế thường lựa chọn là… không chỉ nói chuyện pháp lý. Sở Tư Pháp TP HCM cũng đánh giá hiện nay, các trọng tài viên với trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề tốt có thể tiếp nhận và giải quyết hiệu quả các tranh chấp, phát huy được các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Đáng chú ý, theo ông Châu Việt Bắc – Giám đốc Chi nhánh Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP HCM (VIAC), hiện chưa có Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, nhưng các tổ chức, cụ thể như VIAC có nhiều trọng tài viên là trọng tài quốc tế đến từ các quốc gia trong khu vực, có kinh nghiệm xử lý các vụ việc tranh chấp lớn.
Theo đó, những tín hiệu ban đầu của hoạt động sử dụng trọng tài thương mại trên địa bàn TP HCM đã và đang mở ra thêm một cánh cửa giảm tải áp lực cho Tòa án với việc thụ lý các hồ sơ, vụ việc. Cánh cửa này cũng mở rộng với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các vụ tranh chấp lớn, nhỏ hoặc đang ở tình trạng gần như khó tìm ra hồi kết… như đã kể trên.