Đấu thầu qua mạng chậm triển khai: Khó đổ lỗi cho công nghệ
Số lượng các dự án triển khai đấu thầu qua mạng còn hạn chế ngoài nguyên nhân tâm lí chưa muốn công khai, minh bạch thì pháp luật còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Đây là quan điểm của Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư TP HCM khi trao đổi với DĐDN.
Theo LS Chương, Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng 10 tháng năm 2019 của Bộ KH&ĐT cho thấy, có 7 bộ, ngành chưa đấu thầu qua mạng gói nào. Trong số 63 tỉnh, thành, chỉ có 3 địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu chung của năm.
- Liệu có chuyện một số cá nhân, tổ chức lấy cớ khó thực hiện để chậm triển khai hình thức đấu thầu qua mạng, thưa ông?
Đúng là khó có thể biện minh cho các bộ, ngành chưa đấu thầu qua mạng gói nào hay các địa phương số lượng dự án đấu thầu qua mạng còn hạn chế. Thực tế, nhiều đơn vị hiện nay vẫn coi thông tin về đấu thầu như tài nguyên quý, không muốn chia sẻ rộng rãi, nên cố tình “chây ỳ” không áp dụng đấu thầu qua mạng. Đến khi các cơ quan, tổ chức này được kiểm tra đánh giá thì nêu ra hàng loạt những trở ngại.
Về phía các nhà thầu, vẫn còn một bộ phận nhà thầu không muốn tham gia phương thức đấu thầu mới và hiện đại này bởi phương thức này quá minh bạch, cạnh tranh, trong khi họ vẫn có thói quen là thích nhận được những hợp đồng thông qua con đường quan hệ thân quen với chủ đầu tư, bên mời thầu.
-Từ góc nhìn của luật sư, các quy định của pháp luật còn bộc lộ những hạn chế nào, thưa ông?
Thực tế triển khai, không phải các quy định của pháp luật về đấu thầu đã đáp ứng được yêu cầu. Việc áp dụng Luật Đấu thầu 2014 những năm qua cho thấy, hình thức chỉ định thầu được áp dụng nhiều hơn so với các hình thức đấu thầu công khai. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2014 quy định việc thực hiện chỉ định thầu chỉ diễn ra trong một số trường hợp hết sức đặc biệt. Nhưng, một số cá nhân, đơn vị khi triển khai các dự án thường vin vào một số lý do để tránh phải đấu thầu công khai.
Nhiều địa phương, đơn vị trình xin Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc biệt để được giao thầu thực hiện dự án với lý do cấp bách hoặc đề xuất xin áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo danh sách để tránh phải đấu thầu.
Tuy nhiên sau khi đã được cho chủ trương, các dự án này trong trạng thái chờ đợi rất lâu. Nhiều trường hợp xin được áp dụng cơ chế đặc biệt với lý do cấp bách nhưng sau khi được Thủ tướng cho phép áp dụng “cơ chế đặc biệt” thì lại quay về vận dụng quy trình tương tự như chỉ định thầu để triển khai dự án. Chính việc xin áp dụng triển khai dự án theo dạng khẩn cấp, cấp bách để rồi lòng vòng quay lại chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, pháp luật đấu thầu chưa thực sự có những quy định hiệu quả về việc đấu thầu qua mạng và những quy định về cơ chế khắc phục khi các chủ thể vi phạm đấu thầu qua mạng. Rõ ràng khi muốn việc đấu thầu qua mạng đạt được chất lượng tốt, tất cả quá trình diễn ra đấu thầu đều phải được pháp luật quy định một cách chặt chẽ và có sự giám sát.
-Bên cạnh những vướng mắc về mặt pháp luật thì hạ tầng mạng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cũng được phản ánh rất nhiều, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp phản ánh đang vướng mắc trong quá trình triển khai đấu thầu qua mạng do cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Điển hình trong đó phải kể đến hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại đang sử dụng đã lạc hậu, vì vậy đã xuất hiện một số bất cập khiến người dùng gặp trở ngại khi thao tác; kích thước hồ sơ dự thầu cho phép quá nhỏ…
Thực tế, trong khi đấu thầu qua mạng yêu cầu một cơ sở hạ tầng công nghệ cao thì Hệ thống lại chỉ hỗ trợ trình duyệt web duy nhất là IE phiên bản từ 6.0-10.0, ngoài ra không hỗ trợ các trình duyệt khác. Bên cạnh đó, dung lượng hồ sơ dự thầu tối đa cho phép gửi dưới 20MB và dưới 10 file nên gây khó khăn với gói thầu có lượng hồ sơ dự thầu lớn.
-Hiện tại, hình thức đấu thầu qua mạng chỉ áp dụng đối với nhứng gói thầu có trị giá từ 15 tỷ đồng trở xuống. Ông đánh giá sao về điều này?
Việc ra đời hình thức đấu thầu qua mạng nhằm mục đích không chỉ tạo thuận lợi cho bên mời thầu. Mà còn tạo sự thuận lợi và bình đẳng cho các nhà thầu. Tuy nhiên, hiện nay hình thức đầu thấu qua mạng mới chỉ áp dụng đối với các gói thầu có trị giá từ 15 tỷ đồng trở xuống, chủ yếu là những gói thầu có quy mô nhỏ, sử dụng hình thức chào cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi.
Còn đối với những gói thầu lớn hơn thì vẫn chưa được áp dụng hình thức này. Đây rõ ràng có những khó khăn từ phía các cơ quan nhà nước từ những hạn chế từ hệ thống mạng, hệ thống truy cập dữ liệu do những gói thầu lớn chủ yếu là các gói thầu xây lắp có những bản vẽ kỹ thuật phức tạp.
Khi dự án càng lớn thì nguy cơ thất thoát nếu có xảy ra cũng tỉ lệ thuận với giá trị gói thầu. Do đó, giá trị gói thầu được đấu thầu qua mạng cần phải tăng lên không thể chỉ áp dụng những gói thầu nhỏ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Đấu thầu qua mạng: Tiến tới năm 2022 sẽ áp dụng hệ thống tổng thể theo hình thức PPP
00:00, 08/08/2019
Đấu thầu qua mạng: Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận hồ sơ thầu
11:00, 17/06/2019
Đấu thầu qua mạng: Cơ hội cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp
04:00, 21/07/2018
-Từ góc nhìn của một luật sư, ông có thể đưa ra đề xuất giải pháp cho việc đấu thầu qua mạng hiệu quả hơn?
Chúng ta không nên đổ lỗi vì hạ tầng công nghệ để chậm triển khai, hay hạn chế dự án có giá trị 15 tỷ đồng đấu thầu qua mạng. Để áp dụng rộng rãi, hiệu quả hình thức này, chúng ta cần giải quyết hai vướng mắc cơ bản.
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống hạ tầng hiện tại để khắc phục các khó khăn về kỹ thuật như tăng kích thước tệp tin dự thầu, cải thiện giao diện thân thiện. Chúng ta cần lên kế hoạch xây dựng một hệ thống mới hiện đại hơn, bao gồm tổng thể mọi chức năng và được liên kết với các hệ thống dữ liệu khác của ngân hàng, địa phương, tăng cường tiện ích cho người dùng.
Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các cá nhân, đơn vị nắm bắt được các quy định pháp lý và kỹ năng để họ có thể kịp thích ứng, bắt nhịp được với xu thế hiện đại hóa trong lĩnh vực đấu thầu. Theo đó, tất cả nhân sự tham gia đấu thầu qua mạng cần được đào tạo cơ bản, đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và kỹ năng thực hiện đấu thầu qua mạng.
- Xin cảm ơn ông!