“Báo động đỏ” cho môi trường đầu tư tại Phú Yên: "Trên trải thảm, dưới rải đinh"
Tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong thu hút đầu tư tại các địa phương không phải là hiếm, và điển hình là câu chuyện các doanh nghiệp bị "o ép" tại Phú Yên trong thời gian qua.
Hàng loạt doanh nghiệp bị "o ép"
Như DĐDN đã thông tin trước đó, vụ việc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Phú Khánh Việt (Cty Phú Khánh Việt), không vi phạm bất cứ điều gì liên quan tới việc triển khai dự án Trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt, tại địa chỉ số 80 Nguyễn Huệ, phường 5, TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, tại Thông báo số 1570/TB-UBND, ngày 04/7/2019 của UBND thành phố Tuy Hòa lại ra thông báo “tạm dừng thi công triển khai dự án Trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt” là vấn đề hết sức khó hiểu.
Tương tự, Công ty TNHH xây dựng thương mại Tuấn Tú, có địa chi tại: 149 Lê Thành Phương, phường 8, TP Tuy Hòa, tinh Phú Yên, cũng đã phải chính thức lên tiếng và gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi vì bị các cơ quan chức năng của tỉnh này “o ép, hủy Giấy chứng nhận quyền sử đất, thu hồi dự án...”, trong khi doanh nghiệp không hề vi phạm và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai…
Sự việc nêu trên vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa được xử lý dứt điểm thì mới đây, Công ty Cổ phần HBRE Phú Yên (Cty HBRE), địa chỉ trụ sở đặt tại số 246A Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, cũng lại tiếp tục rơi vào tình trạng tương tự.
Hưởng ứng chương trình kêu gọi xúc tiến đầu tư của Phú Yên, HBRE đã chính thức tham gia đầu tư tại Phú Yên với lĩnh vực điện gió từ tháng 11/2016.
Sự xuất hiện của HBRE tại Phú Yên, được nhận định là một doanh nghiệp tiên phong, nằm trong kế hoạch thu hút kêu gọi đầu tư nhằm mục đích giảm áp lực về tình trạng thiếu điện cho quốc gia nói chung và địa phương nói riêng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Thế nhưng, kể từ khi HBRE được UBND tỉnh Phú Yên cấp cam kết đầu tư thì xuất hiện hàng loạt những rào cản ngáng chân doanh nghiệp. Điều đáng nói là những rào cản này không phải của ai khác mà lại do chính các cơ quan chức năng của tỉnh này tạo ra để “gây khó dễ”, hành doanh nghiệp.
Cực chẳng đã, vừa qua Công ty HBRE đã làm đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, Đại sứ quán Thái Lan, các cơ quan Trung ương và báo chí…
Lập rào cản "ngáng chân" doanh nghiệp
Trao đổi với PV, ông Hồ Tá Tín – Chủ tịch HĐQT Cty HBRE, cho biết: HBRE là nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư dự án “Trang trại phong điện HBRE An Thọ – Giai đoạn 1”, công suất 200MW (“Dự án”), tọa tại các xã: An Hiệp, An Lĩnh, An Thọ – huyện Tuy An – tỉnh Phú Yên.
Đây là Dự án hiện có sự tham gia đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn Super Energy – Tập đoàn hàng đầu của Thái Lan trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo với tổng vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo hơn 1 tỷ đô la Mỹ.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Super Energy đã đầu tư và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo phong điện, điện mặt trời với tổng công suất đến hơn 450MW. Hiện nay, phía Tập đoàn Super Energy chiếm tỷ lệ 49% vốn điều lệ trong Công ty Cổ phần HBRE Phú Yên.
"Dự án “Trang trại phong điện HBRE An Thọ – Giai đoạn 1”, công suất 200MW do HBRE tiến hành thủ tục bổ sung quy hoạch và đề xuất đầu tư ngay từ những ngày đầu tiên vào năm 2016 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch từ tháng 12/2018. Ngay sau đó, HBRE đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư để có cơ sở triển khai đầu tư dự án theo quy định.
Thế nhưng cho đến nay, thời gian đã trôi hơn một năm qua, qua 03 lần hiệu chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của tỉnh Phú Yên, nhưng vẫn không phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cho doanh nghiệp vì những lý do không rõ ràng, không đúng quy định pháp luật là hết sức vô lý" – ông Tín bức xúc.
Cũng theo ông Tín, việc chính quyền cố tình đưa ra hết lý do này đến lý do khác, khiến HBRE không thể triển khai công tác đầu tư Dự án theo đúng tiến độ cam kết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và đang có nguy cơ phá sản là toàn bộ những gì đã hiện hữu trước mắt theo kiểu “mang con bỏ chợ” là khó có thể chấp nhận.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên: “Báo động đỏ” cho môi trường đầu tư tại xứ "hoa vàng trên cỏ xanh"?
11:05, 25/11/2019
Dừng triển khai dự án của doanh nghiệp tại Phú Yên: UBKT Tỉnh ủy có "tiền hậu bất nhất"?
04:40, 11/11/2019
Phú Yên: Ai đẩy công ty Phú Khánh VIệt đến bờ vực phá sản?
05:30, 02/11/2019
Phú Yên: Doanh nghiệp sẽ “chết yểu”, nếu chính quyền cố “gọt chân cho vừa giày”!
11:00, 10/09/2019
Trình bày chi tiết về kế hoạch đầu tư tại Phú Yên, ông Tín, cho hay: từ những ngày đầu tiên, hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Phú Yên. Qua nghiên cứu, đánh giá sơ bộ tiềm năng gió tại địa phương cho thấy tốc độ gió trung bình hàng năm phù hợp để triển khai dự án đầu tư. Ngày 24/11/2016 Công ty đã có văn bản số 007.2016/HBRE gửi UBND tỉnh Phú Yên đề nghị chấp thuận chủ trương khảo sát đo gió và lập dự án đầu tư nhà máy điện gió tại các xã: An Lĩnh, An Thọ, An Hiệp, An Mỹ và An Hòa - huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ngày 20/3/2017, UBND tỉnh Phú Yên có Văn bản số 172/TB-UBND thông báo về việc đồng ý cho phép Công ty được phép tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát lắp đặt 02 cột đo gió tại các xã: An Lĩnh, An Thọ, An Hiệp, An Mỹ và An Hòa – huyện Tuy An.
Tháng 5/2017, Công ty đã hoàn thành việc lắp đặt 02 cột đo gió và đã tiến hành công tác thu thập, đánh giá số liệu gió cho đến nay. Căn cứ số liệu đo gió thực tế thu thập được phù hợp để triển khai dự án đầu tư, ngày 19/12/2017 Công ty đã có Văn bản số 40.2017/HBRE gửi chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên về việc thông báo thành lập Công ty TNHH HBRE Phú Yên để thực hiện dự án.
Với những nỗ lực thực hiện nhanh, đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương. Ngày 22/11/2018, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1670/TTg-CN về việc đồng ý bổ sung dự án “Trang trại phong điện HBRE An Thọ – Giai đoạn 1” vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Công ty TNHH HBRE Phú Yên đề xuất đầu tư theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Văn bản số 7946/BCT-ĐL ngày 01/10/2018.
Sau khi được bổ sung quy hoạch và chuyển đổi loại hình thành Công ty Cổ phần HBRE Phú Yên, HBRE đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư lần 1 ngày 19/12/2018 và hồ sơ điều chỉnh, bổ sung vào ngày 19/03/2019 để xúc tiến công tác, thủ tục đầu tư dự án trên.
Thế nhưng, ngày 05/6/2019, UBND tỉnh Phú Yên ra Thông báo số 229/TB-UBND đề nghị Công ty các nội dung rất vô lý, như: Đề nghị phân kỳ dự án đầu tư từng phần thành với mỗi 50MW/dự án, phải sử dụng công suất tuabin từ 4MW trở lên và lưu ý xem xét tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ – Giai đoạn 1.
Theo ông Tín, đáng lẽ ra chính quyền tỉnh Phú Yên phải hoan nghênh, cổ vũ cho HBRE trong việc triển khai đồng bộ, không dàn trải để sớm đưa dự án vào hoạt động góp phần giảm áp lực thiếu điện cho quốc gia càng nhanh càng tốt, thì ngược lại, địa phương lại đưa ra rào cản để “ngáng chân” doanh nghiệp trong việc cấp phép chủ trương để doanh nghiệp triển khai dự án.
Như vậy, với sự việc nêu trên, có thể thấy, môi trường đầu tư tại Phú Yên đang trong tình trạng “báo động đỏ”, và dấu hiệu “trên trải thảm, dưới rải đinh” khiến các doanh nghiệp lao đao là rất đáng lên án cho một địa phương nghèo nhưng giàu tiềm năng như Phú Yên.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!