Tài khoản cá nhân mở tại Vietcombank bị phong toả có đúng luật?
Bộ Công an vừa phát đi thông cáo cho biết đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại ngân hàng Vietcombank mang tên Nguyễn Thuý Hạnh. Vậy việc phong toả này có đúng luật?
Theo Bộ Công an việc phong toả tài khoản này để điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 9/1/2020. Tổng số tiền bị phong toả tại tài khoản mang tên Nguyễn Thuý Hạnh mở tại Chi nhánh Vietcombank Ba Đình lên tới hơn 500 triệu đồng. Xung quanh việc phong toả này còn nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hiếu - Tòa án quân sự Khu vực 2 thuộc Quân khu 4 cho biết theo qui định điều 129 Bô Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì: Phong tỏa tài khoản là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước. Biện pháp này cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ rằng trong tài khoản của người này có số tiền liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội (Điều 129 BLTTHS năm 2015).
Vậy ai có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản? Bộ Luật này ghi rõ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp: Khi ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS sự các cấp;Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
Nguyên tắc thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản: Khi phong tỏa tài khoản thì chỉ được phong tỏa số tiền tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của Điều 285 Bộ Luật tố tụng hình sự tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Thủ tục tiến hành biện pháp phong tỏa tài khoản: Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc người có liên quan. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải lập thành biên bản theo quy định.
Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản của tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản đó, biên bản lập thành 5 bản, trong đó, một bản giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu lại tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước.
Thông cáo của Bộ Công an cho biết qua công tác điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 9/1/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.
"Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan", thông cáo của Bộ Công an nêu rõ.
Bộ Công an đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao cảnh giác, không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ nêu trên và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.