Hoàn thuế tăng niềm tin

Phương Uyên 28/04/2020 16:37

Quy định khống chế chi phí lãi vay 20% gây bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong 3 năm qua đã có hướng tháo gỡ hơn thế, doanh nghiệp còn được hoàn lại khoản thuế 5.000tỷ đồng đã nộp.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hồi tố khoản tiền thuế đã thu được của doanh nghiệp từ 2017-2018.

Khống chế tỷ lệ lãi vay không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Ảnh: S.T

Khống chế tỷ lệ lãi vay không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Ảnh: S.T

“Giải pháp kép” đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành ngay trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định. 

Từ 2017 đến nay, cộng đồng DN, giới chuyên gia và báo chí đã cùng phản ánh và phân tích những điểm chưa hợp lý của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo khoản 3 điều 8 Nghị định 20 về giao dịch liên kết. 

Mới đây nhất, ngày 13/3 và ngày 3/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. 

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, áp dụng hồi tố sang năm 2017, 2018 thực chất là việc thay đổi về “mặt số học” trong xác định nghĩa vụ quyết toán thuế TNDN khi nâng tỷ lệ khấu trừ chi phí lãi vay từ 20% EBITDA lên 30% EBITDA và xác định lại cách tính EBITDA của tất cả các doanh nghiệp bị chịu tác động. Toàn bộ số liệu này đã được thể hiện rõ ràng trên tờ khai và khi tờ khai đã nộp trực tuyến thì cơ quan thuế hoàn toàn có thể giám sát, quản lý và xác định được tuyệt đối số liệu tác động. 

“Với chỉ hơn 1.000 doanh nghiệp bị tác động cần phải điều chỉnh thì đây không phải là số lượng quá lớn để cơ quan Thuế không thể giám sát được” - ông Lộc nhấn mạnh.

Đừng tạo thêm “rào cản” huy động vốn

Nghị định 20 ra đời nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết (Thông tư 66/2010/TT-BTC), từ đó xác lập các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết tại Việt Nam... Đây là một bước nhằm hoàn thiện các quy định về giao dịch liên kết để chống chuyển giá, vốn là vấn đề gây ra nhiều lo ngại thời gian qua. 

Tuy vậy, việc siết chặt các điều kiện đã đi khá sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh. 

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đang lớn mạnh và phát triển mô hình tập đoàn công ty mẹ con. Ở đó, công ty mẹ (holding) sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn với tỷ lệ trên 51%. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên. Đáng lưu ý, với việc vay vốn nước ngoài thì các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con. Sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Chính vì thế, việc đi vay và cho vay này là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn. 

Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 20 khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Từ đó, khiến cho doanh nghiệp tốn kém chi phí vốn, làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước. 

VCCI cũng cho biết, Bộ Tư pháp tại văn bản số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/03/2020 cũng đã khẳng định: “việc hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý”.

Đặc biệt, quy định tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con. Làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. 

Trao đổi về ảnh hưởng của việc khống chế chi phí tài chính kể trên, chuyên gia của Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phân tích, nếu theo quy định như thế có nghĩa là doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi thấp xem như mất trắng chi phí lãi vay!? Ngoài ra, không kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mới vì không ai có đủ tiền túi để đứng ra kinh doanh. 

Chuyên gia này phân tích thêm, “Một điều cần lưu ý, chính sách này chỉ hướng đến ngăn chặn gian lận mà không nghĩ đến việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi đưa vào lưu thông tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho xã hội”. Điều này sẽ làm mất đi khả năng hội tụ nguồn lực để gia tăng quy mô và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Về dài hạn sẽ khiến cho doanh nghiệp trong nước khó lớn mạnh và không thể cạnh tranh với tập đoàn lớn nước ngoài vốn quy mô lớn và lợi thế về tài chính. 

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: chính sách hồi tố trong thời điểm này sẽ tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp và sự công bằng của Pháp luật rằng nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, kê khai thuế sai sẽ bị truy thu, tính lãi nộp chậm, xử phạt nghiêm khắc, và ngược lại, nếu chính sách nào đó Nhà nước ban hành chưa phù hợp, chưa đúng thì Chính phủ, Bộ Tài chính sẵn sàng sửa sai và khung khổ pháp lý hiện nay cho phép để thực hiện điều này.

Phương Uyên