“Dẹp loạn” vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
Chiều 16/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Ngăn chặn vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng, giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển".
Trước tình trạng quảng cáo “thổi phồng” khiến thị trường thực phẩm chức năng “vàng thau lẫn lộn”, Tọa đàm trực tuyến “Ngăn chặn vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng: Giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển” kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp giúp minh bạch và lành mạnh thị trường này.
Theo ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam, mặc dù đã có những quy định về quảng cáo nhưng hiện tượng vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng vẫn diễn ra khá phổ biến.
Chiêu trò “thổi phồng” công dụng
“Những hình thức quảng cáo Thực phẩm chức năng “có tác dụng chữa bệnh” như thuốc chữa bệnh đặc trị cũng như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật như chúng tôi”, ông Nguyễn Phương Sơn chia sẻ.
Thừa nhận thực tế này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, việc vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng diễn ra khá phố biến thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Trong đó, hình thức vi phạm phổ biến là: Quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng, quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận…. “Cục An toàn Thực phẩm chúng tôi đã liên tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh, tuy nhiên do sự phát triển nhanh chóng về công nghệ như mạng xã hội, zalo, facebook… cộng với tốc độ phát triển thị trường quá nhanh nên việc xử lý chưa được hiệu quả”, bà Trần Việt Nga nhấn mạnh.
Số liệu từ Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 25/9/2020, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở, tổng số tiền phạt: 2.789.618.715 đồng, trong đó xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt về quảng cáo là: 1.615.000.000 đồng.
Cục An toàn thực phẩm cho biết đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, hiện nay tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.
Lỗ hổng chính sách và cơ chế phối hợp
Trên thực tế, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đối với các cơ sở hoạt động theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử.
Trong khi đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm. Đồng thời, Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng có dấu hiệu hình sự, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng... tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của ngành, cùng một số hạn chế trong chính sách quảng cáo thực phẩm chức năng đã tạo “lỗ hổng” trong công tác phối hợp quản lý, khiến nhiều doanh nghiệp vi phạm dễ “chối tội”.
Do đó, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành để có những giải pháp đồng bộ, giúp việc thanh, kiểm tra cũng như xử lý hữu hiệu hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thị trường Thực phẩm chức năng minh bạch và phát triển.
Đại diện Amway Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có những quy định, chính sách quảng cáo Thực phẩm chức năng phù hợp hơn nữa với xu thế thị trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả.
“Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế phối hợp và đồng bộ để ngăn chặn việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng chân chính”, ông Nguyễn Phương Sơn đề xuất.
Tọa đàm trực tuyến "Vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng, giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Hiệp hội Thực phẩm chức năng tổ chức ngày 16/12 sẽ đưa ra những hạn chế trong thực tiễn hoạt động quảng cáo Thực phẩm chức năng, chỉ ra những khó khăn, thách thức về phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đồng thời, đưa ra những giải pháp giúp lành mành hoạt động quảng cáo, minh bạch thị trường Thực phẩm chức năng.
Có thể bạn quan tâm
“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường
04:50, 16/12/2020
“Dẹp loạn” vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng
19:22, 15/12/2020
“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ
11:00, 15/12/2020