[eMagazine] Xăng dầu “đen” vươn “vòi bạch tuộc”
Nhiều vụ việc với hàng trăm triệu lít xăng dầu lậu, giả tuồn vào thị trường bị phát hiện, đã dấy lên trong dư luận sự nghi ngờ về việc có nhiều bàn tay “ma thuật” đã và đang tương trợ...
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, sắp tới sẽ rút giấy phép một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu do không đảm bảo điều kiện theo quy định. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng xác nhận trước tình trạng phức tạp trên thị trường xăng dầu, đặc biệt là nạn xăng dầu lậu, giả tại các địa phương, bộ đã phối hợp với Bộ Công an giám sát hoạt động thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu mối.
Theo đó, với những trường hợp cơ quan công an phát hiện và điều tra hành vi buôn lậu, buôn bán hóa đơn, pha chế xăng giả, bộ cũng cung cấp các thông tin về hoạt động của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có liên quan.
Trở lại thực tế thời gian qua, dư luận rất muốn biết lý do chính khiến xăng dầu lậu tung hoành ở nhiều địa phương với số lượng rất lớn, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho biết mức lợi nhuận quá lớn từ xăng dầu lậu, xăng dầu giả là sức "hấp dẫn" lớn nhất để nhiều cá nhân, doanh nghiệp lao vào "mảnh đất" này, do buôn xăng dầu có thể "né" được những khoản thuế khổng lồ…
Hiện mỗi lít xăng ERON 92 hiện nay đang có giá 17.031 đồng/lít, xăng RON95 giá 18.084 đồng/lít và dầu diesel là 13.843 đồng/lít (theo kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 25-2), tỉ lệ thuế, phí đang chiếm tới hơn 55-60% với xăng, khoảng 40% với dầu thì doanh nghiệp buôn lậu có thể trốn thuế, phí lên đến mức gần 10.000 đồng/lít.
Có thể thấy, chính vì loại mặt hàng siêu lợi nhuận này nên số lượng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng liên tục tăng mỗi năm theo cấp số nhân. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu chăng hàng trăm đơn vị kinh doanh này có đảm bảo được các điều kiện theo quy định để cấp phép hay không thì có lẽ vẫn đang bỏ ngỏ!
Điều đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp đầu mối được cấp phép trong thời gian qua tăng mạnh, khi tháng 8/2019 là 32 thì đến tháng 3/2021 là 40 đầu mối.
Một thương nhân phân phối xăng dầu (xin giấu tên) cho biết, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do Nhà nước quản lý, nên các quy định cơ chế chính sách đặt ra phải đảm bảo cho việc quản lý hoạt động này lành mạnh, phát triển, an toàn, an ninh năng lượng.
"Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ - mặc dù chưa đủ điều kiện để kinh doanh về hạ tầng, cầu cảng, bồn chứa, kho, xe chở, cửa hàng và các đại lý, nhưng vẫn có cách để được cấp giấy phép - đó là thực tế. Để có được đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép thì... rất khó", vị này nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay phải tuân thủ rất nhiều quy định, do nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Chính vì có quá nhiều đơn vị quản lý như vậy, chủ doanh nghiệp này cho rằng "rất dễ xảy ra tình trạng nhiêu khê".
Vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng, muốn quản lý tốt xăng dầu nên để cho một đơn vị quản và chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, chứa trữ các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm nêu trên do nhiều cơ quan chức năng quản lý.Theo quy định hiện nay một cửa hàng chỉ có một đầu mối vì thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng về hệ thống cửa hàng đại lý của mình, việc báo cáo quyết toán do cơ quan thuế thực hiện và chịu trách nhiệm, cơ quan QLTT chỉ phối hợp với cơ quan thuế trong việc dán tem cột bơm do đó cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thuế trong việc xác định gian lận thương mại của các đại lý kinh doanh xăng dầu thông qua kê khai hóa đơn và niêm phong dán tem cột bơm sẽ kiểm soát tốt hành vi này.
Về kiểm soát chất lượng xăng dầu hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; theo quy định về lưu mẫu thì các lô hàng khi doanh nghiệp nhập về đều phải lưu mẫu, tuy nhiên không rõ là phải lưu bao nhiêu mẫu do vậy khi có nhiều đoàn kiểm tra thì mẫu lưu không còn để đối chứng.
Trong khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn, nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm thì không thể thu hồi số xăng dầu vi phạm vì lý do khi chưa có kết luận giám định thì không có căn cứ tạm giữ ban đầu.
Trong khi đó quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Chia sẻ với cơ quan báo chí, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết, việc quản lý liên quan đến xăng dầu trong thời gian vừa qua vẫn có một số thương nhân xăng dầu có dấu hiệu vi phạm theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
"Trong quá trình hậu kiểm thời gian vừa qua, kết thúc đợt 1 đã có kết quả ban đầu, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các đơn vị có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm những thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 83, cũng như việc vi phạm pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chuyên ngành" - ông Đông nói.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, xăng dầu lậu chủ yếu được tuồn vào từ đường biển, do tàu nước ngoài chở vào. Tại đây có nguồn xăng dầu với giá rất rẻ, với những tàu trữ dầu lớn, trong khi lực lượng chức năng mỏng nên việc kiểm soát khó khăn. Các đối tượng buôn lậu chỉ cần xé lẻ hoặc gian lận bằng cách khai thấp số lượng thực tế đã có lời rất nhiều.
"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi thuế phí xăng dầu cao nên kinh doanh xăng dầu lậu trở nên quá hấp dẫn" - một doanh nghiệp cho hay.
Cũng theo một đại diện của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng diễn ra nhiều năm trên thị trường nhưng không có biện pháp quản lý đúng cách.
Đến giờ vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác lượng xăng giả đã được tiêu thụ ngoài thị trường, nhưng những hệ luỵ mà người tiêu dùng phải gánh chịu thì đã hiện hữu, có thật.
Phiên xét xử vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) liên quan đến Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, trụ sở tại Sóc Trăng) cùng 38 bị cáo (12/1/2021) vẫn chưa đến hồi kết do bị hoãn, thì ngày 9/3/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triển khai lực lượng đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thanh Tú (giám đốc) và vợ là Trần Thị Thanh Vân (quản lý điều hành) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc về tội buôn lậu.
Đây chỉ là một mắt xích trong chuyên án 920-G của đường dây buôn lậu xăng giả do “ông trùm” Phan Thanh Hữu (64 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, Vĩnh Long) cầm đầu.
So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô mà mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn xuyên nhiều tỉnh thành, với thủ đoạn tinh vi hơn như: các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0. Sau đó dùng các loại dung môi, hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng. Từ đây các tàu, sà lan tải trọng nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành; cuối cùng cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để phân phối, tiêu thụ ra thị trường nhiều tỉnh miền Tây.
Theo cơ quan Công an, hằng ngày, các đối tượng của đường dây đã cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường; tính từ tháng 8/2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Có thể thấy, số lượng xăng giả khổng lồ này (chỉ tạm tính trong vụ án này) khi được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường sẽ mang đến nhiều nguy cơ, hiểm hoạ khôn lường đối với phương tiện và người tham gia giao thông. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện khi tham gia giao thông và chỉ khi các vụ xăng giả được phanh phui thì người tiêu dùng mới vỡ lẽ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Hoá ra lâu nay mình phải trả tiền thật cho xăng giả, xăng kém chất lượng? Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng phải số nhiên liệu giả này!