Luật Quy hoạch giúp giảm chi phí và xoá bỏ chồng chéo
Việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch.
>>Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”
Xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ngày 30/5.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế tăng động lực điều phối của Nhà nước, của các ngành, chia sẻ dữ liệu hình thành hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng tự điều chỉnh, tự quy hoạch.
Về việc chậm tiến độ quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh, ai sẽ chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư. Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa được phê duyệt đã trở nên không phù hợp.
Nhấn mạnh quy hoạch tích hợp không đơn thuần là ghép nối quy hoạch một cách cơ học đơn thuần, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, để thực hiện tốt tích hợp quy hoạch, quá trình lập quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, để cùng đưa ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi, thảo luận, đi đến phương án chung thống nhất.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, trong các phương án quy hoạch phải quy hoạch các nguồn lực để dành cho phát triển các sản phẩm đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược của tỉnh, của vùng, của ngành.
>>Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn
Băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết, chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước… Đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí. Đại biểu nhấn mạnh,
“Một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít thì hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo”, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ.
Liên quan đến quy định cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành được đề cập đến trong Báo cáo, đại biểu tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý.
“Một nhà nước pháp quyền mà mà không áp dụng quy định của pháp luật đã ban hành thì chúng ta căn cứ vào đâu, cơ sở nào để làm, bên cạnh đó còn rất nhiều nội dung chưa rõ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ sự tán thành cao với nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội. Đồng thời, đại biểu Trần Văn Tiến đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát việc thực thi nhiệm vụ, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đoàn giám sát đã kịp thời điều chỉnh, từ giám sát, kiểm tra trực tiếp đến kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Do đó vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Đoàn giám sát trong quá trình giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Quốc hội lựa chọn một số luật mới được ban hành, có tính kỹ thuật chuyên ngành để tiến hành giám sát tối cao.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ lập quy hoạch và các tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chậm nhất đến ngày 31/12/2022 để hoàn thành theo tinh thần Nghị quyết số 119 của Chính phủ.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo việc quản lý, thực hiện quy hoạch đúng pháp luật.
“Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giúp quy hoạch sớm được phê duyệt theo quy định. Về dài hạn, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, tích hợp pháp luật đất đai, đô thị, xây dựng vào Luật Quy hoạch đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động quy hoạch”, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”
11:00, 19/04/2022
Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn
04:20, 28/08/2021