Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.
>>Có nên đổi tên Luật Hợp tác xã?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình, làm rõ một số nội dung về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ngày 10/11.
Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành.
Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.
>>Bộ Công Thương bị "nghi oan” về giá xăng dầu?
>>Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. HCM) đề nghị cần phải bổ sung thêm nhiều nội dung về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bố cục thành Chương riêng, tập hợp các quy định về nội dung này đang nằm rải rác trong dự thảo Luật.
Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, khoản 2 Điều 4 quy định: Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan. Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ ràng, cần bổ sung để đảm bảo cụ thể, rõ ràng hơn như sau:
Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan.
Tại Điều 17, điểm đ, khoản 3 có quy định cấm ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.
Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung thành cấm ngăn cản người tiêu dùng cung cấp thông tin, các dữ liệu điện tử, các chứng từ điện tử, gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị cần thể hiện rõ chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ người tiêu dùng, phát huy đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bổ sung quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp thật rành mạch, rõ ràng giữa các cơ quan có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) khẳng định, dự thảo luật đã thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của phương thức kinh doanh tiêu dùng mới, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa, làm rõ nét theo nội dung tại Nghị quyết số 11 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Chỉ thị số 30 năm 2019.
Chỉ thị số 03 năm 2021 của Ban Bí thư về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, về nâng cao đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về các quy định cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cần quy định cụ thể hơn ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, cần bổ sung Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ.
Hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, khoản 2, Điều 70 quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật tố tụng dân sự khi có đủ điều kiện đã được liệt kê tại các điểm từ điểm a đến điểm c, khoản 2, Điều 70.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng ở điểm c là mới tính đến yếu tố kinh tế, chưa tính đến tính chất vụ việc. Có những vụ gây ngộ độc thực phẩm, hậu quả gây ra chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ điều kiện thì cần áp dụng thủ tục rút gọn để vụ việc được giải quyết kịp thời.
Góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chương 6, đối với trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tại Điều 76, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của một số vụ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.
Thực tế lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của các bộ nêu trên cũng là những lĩnh vực mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường. Đại biểu đề nghị cần xem xét tách nội dung về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một điều riêng, quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời đề nghị bổ sung trách nhiệm của Tòa án nhân dân vào điều này do Tòa án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả trong trách nhiệm xem xét, giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn
05:05, 01/11/2022
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
03:30, 23/10/2022
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
03:02, 22/10/2022
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT
10:00, 21/10/2022