Sửa Luật Giao dịch điện tử: Quan ngại điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy
Sáng 11/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐB Quốc hội Phan Đức Hiếu góp ý về điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy tại Điều 29 và Điều 33 của dự thảo Luật.
>>Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Về điều kiện kinh doanh, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, theo Luật Đầu tư năm 2020 có bổ sung thêm một cơ chế để kiểm soát việc ban hành mới về điều kiện kinh doanh.
Điều đó có nghĩa, khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa điều kiện kinh doanh, ngoài việc tuân thủ theo quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn phải tuân thủ thêm quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, Nghị định 31 năm 2021 quy định rất rõ về quy trình, thủ tục, các yêu cầu về hồ sơ khi các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa đựng các quy định về điều kiện kinh doanh.
Trong đó, đề nghị phải đảm bảo ít nhất 5 nội dung: tên điều kiện; phân tích sự cần thiết, mục đích sửa đổi bổ sung của ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; căn cứ để sửa đổi, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh và đối tượng tuân thủ.
Đánh giá tính hợp lý, tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, sự phù hợp với điều ước quốc tế và đầu tư; đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc đối với công tác quản lý nhà nước và đối với đối tượng tuân thủ.
“Hồ sơ chưa thấy rõ và đầy đủ các nội dung này, để đảm bảo tuân thủ quy trình lập pháp, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung tài liệu chung hoặc riêng trong Hồ sơ nhưng phải thể hiện được 5 nội dung vừa nêu để xem xét tính hợp lý và cần thiết”, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ quan ngại tính khả thi, tính rõ ràng. Nếu không rõ ràng thì sự rủi ro rất lớn cho cả cơ quan nhà nước. Vì điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh là công cụ quản lý nhà nước, phổ biến mọi quốc gia nhưng luôn có mặt trái.
Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị cần đánh giá lại những yêu cầu, điều kiện để xem yêu cầu, điều kiện nào là thực sự cần thiết. Và ngay cả khi chúng ta có yêu cầu về điều kiện thì phải đảm bảo tính rõ ràng.
>>Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
>>Chính phủ đã cân nhắc “kịch bản” tăng trưởng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nêu một số đề nghị, như cần rà soát về kỹ thuật lập pháp đảm bảo đúng quy định tại Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác và phổ thông để tất cả đối tượng có thể hiểu, đó là tính phổ thông của ngôn ngữ sử dụng pháp luật, cách diễn đạt thì phải rõ ràng và dễ hiểu.
Ban soạn thảo rà soát, đưa những khái niệm rải rác tại các điều luật vào Điều 3 về giải thích từ ngữ, đảm bảo sự tập trung. Bỏ các nội dung mang tính tuyên bố, tuyên ngôn, như khoản 1 Điều 13: thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
Khoản 1 Điều 10: thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu; khoản 1 Điều 35: giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu…
Ban soạn thảo rà soát lại cách diễn đạt, đơn cử như tại khoản 2 Điều 35 về giá trị pháp lý quy định: “Hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện giữa chủ quản hoặc bên sử dụng hệ thống thông tin tự động với một người hợp giữa các chủ quản hoặc các bên sử dụng hệ thống thông tin tự động với nhau thông qua sự tương tác giữa hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau, không bị phủ nhận giá trị pháp lý trí chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay hợp đồng được giao kết”.
“Quy định này rất khó hiểu, cần sửa lại ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo yêu cầu lập pháp”, đại biểu Lê Xuân Thân nói.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật về cơ bản đang hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, dự thảo Luật cũng đã thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 và cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch…
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời làm rõ phạm vi, mức độ chi tiết của thông tin được báo cáo; tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn một số nội dung mà dự thảo Luật chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ như quy định về các quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; về tranh chấp và xử lý vi phạm và quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.
Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các ý kiến là xác đáng, phong phú, đa chiều, nhiều ví dụ tình huống, có giá trị để hoàn thiện dự án Luật để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Do đó, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những ngoại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số.
Do đo, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
Về phạm vi áp dụng Luật là dựa trên cơ sở hiện nay nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ lắng nghe, ghi chú cẩn thận sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung tiếp thu sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra cơ quan có liên quan để nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn
05:05, 01/11/2022
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
03:30, 23/10/2022
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
03:02, 22/10/2022
Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ba tư lệnh ngành
17:27, 21/10/2022
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT
10:00, 21/10/2022