Nghệ An: Chính quyền huyện “lao đao” vì nhà thầu “bán nhanh, rút gọn”

CAO SƠN 17/11/2022 00:06

Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao đất về cho địa phương. Nhưng, khi thi công xong công trình, các nhà thầu lại tự ý bán luôn tài sản trên đất...

Vào năm 2004, khi xây dựng nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ (thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), huyện Tương Dương đã cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thuỷ điện 2 mượn đất để các đơn vị thi công làm lán trại, nhà điều hành... Đến năm 2011, khi làm xong công trình này, lẽ ra phải thu dọn mặt bằng và trả lại đất về cho chính quyền quản lý thì một số nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho nhiều hộ dân. Hệ luỵ của việc làm trên khiến công tác thu hồi đất để đưa vào sử dụng gặp rất khó khăn. Còn những hộ dân mua nhà cũng đang sống thấp thỏm sống trong cảnh “ở nhờ”.

Nhiều hộ dân lâm vào cảnh “ăn nhờ, ở đậu”

Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Tương Dương, đến nay, chủ đầu tư nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ chưa bàn giao cho huyện là 76,76 ha đất, trong đó, hơn 5,4 ha rất khó thu hồi. Bởi trên diện tích này, năm 2011, sau khi xây dựng xong nhà máy, một số nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho nhiều hộ dân. Hiện nay, một số hộ đã làm nhà kiên cố, số còn lại đang sinh sống trong các khu nhà cũ.

Một lãnh đạo xã Yên Na, huyện Tương Dương cho biết, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhưng cho đến nay, vẫn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB). Do trước khi các đơn vị thi công rút đi, đã tự ý bán tài sản trên đất cho dân mà không hề báo với chính quyền địa phương. Còn người dân do một số không hiểu quy định của pháp luật, một số biết nhưng vẫn cố tình mua. Xã đã họp dân nhiều lần, vận động bà con bàn giao mặt bằng, nhưng chưa xong. Xã đã thống kê, kiểm đếm và báo cáo lên huyện.

Khu nhà ở cũ của công nhân phục vụ xây dựng nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ được bán cho người dân xã Yên Na

Khu nhà ở cũ của công nhân phục vụ xây dựng nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ được bán cho người dân xã Yên Na

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tương Dương bày tỏ quan điểm, trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ đầu tư nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ. Vì theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao đất về cho địa phương quản lý. Nhưng, khi thi công xong công trình, các nhà thầu lại tự ý bán tài sản trên đất, để cho bà con tiếp tục sử dụng tài sản gắn liền với đất, dẫn đến khó khăn trong việc GPMB. Đến nay, các nhà thầu hoặc đã giải tán, hoặc không có mặt tại địa phương để phối hợp giải quyết.

>>Giải pháp đảm bảo "hết" bỏ hoang nhà ở tái định cư

>>Nhà tái định cư bỏ hoang - nguyên nhân do đâu?

>>Nghệ An: Hơn 40 hộ dân “tháo chạy” khỏi khu tái định cư

Theo Báo cáo của Ban quản lý dự án thuỷ điện 2, hiện tại còn 76,6 ha đất, thuộc khu vực mặt bằng công trường phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ, UBND huyện Tương Dương đang đề nghị bàn giao lại cho địa phương. Trong đó, có 8ha, vào năm 2005, đã được huyện Tương Dương bàn giao cho Chủ đầu tư để giao cho đơn vị thi công để xây dựng lán trại, công trình tạm phục vụ thi công. Năm 2012, sau khi hoàn thành công trình, đơn vị thi công rút đi không thực hiện tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng cho nên phần đất này bị các hộ dân trong khu vực chiếm dụng, sử dụng các công trình do đơn vị thi công để lại.

Qua thống kê, hiện nay, có 94 hộ dân đang sử dụng các công trình lán trại, nhà ở của nhà thầu để lại trên phần đất này. Trong thời gian qua Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 đã nhiều lần triển khai thực hiện thu dọn, hoàn trả mặt bằng tuy nhiên không thực hiện được do người dân phản đối ngăn cản, không chấp nhận trả phần đất đã chiếm dụng.

Nhiều hộ dân sống mua nhà và sinh sống tại công trường cũ phục vụ xây dựng nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ

Nhiều hộ dân sống mua nhà và sinh sống tại công trường cũ phục vụ xây dựng nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ

Được biết, để thực hiện công tác bàn giao phần đất trên đây cho địa phương quản lý sử dụng, ngày 31/8/2022, UBND huyện Tương Dương đã thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, tiếp nhận bàn giao đất tại khu mặt bằng công trường Thủy điện Bản Vẽ do chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng và trả lại cho địa phương quản lý.

Một cán bộ huyện Tương Dương cho hay, từ ngày 13/9/2022 đến nay, đã cơ bàn hoàn thành công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án quy hoạch chi tiết sử dụng đất gắn với việc xử lý chiếm dụng đất đai của các hộ dân đối với 8ha. Sau khi phương án sử dụng đất và xử lý đất đai được người dân chấp thuận và ký biên bản đồng ý trả lại đất, Chủ đầu tư sẽ thực hiện thu dọn, hoàn trả mặt bằng và bàn giao cho địa phương. Phương thức thực hiện là xử lý thu hồi đất của người dân đến đâu thực hiện thu dọn hoàn trả mặt bằng đến đó.

Ồ ạt “tháo chạy” khỏi khu tái định cư

Trong số gần 100 hộ dân đang sống trong cảnh ở nhờ trên phần đất làm công trình lán trại, nhà ở trước đây mà các nhà thầu để lại có không ít hộ đã từng là cư dân của Khu tái định cư của bản Khe Ò thuộc xã Yên Na.

Khu tái định cư của bản Khe Ò là nơi tái định cư, để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên đến nay, do cuộc sống khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm nên hàng chục hộ dân đã bỏ khu tái định cư này để đi ở nơi khác.

Khu tái định cư này nằm ở trên sườn núi, cách nhà máy Thủy điện Bản Vẽ chừng 1 km, đây là nơi di vén của 47 hộ dân, nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện. Tại đây, chỉ còn cảnh hoang tàn của một khu dân cư bị “lãng quên” dưới tán cây rừng. Ngay đầu đường vào bản, một tảng đá lớn nặng hàng tấn nằm chắn ngang, bịt gần hết đường. Trên triền núi, nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang, mái, cửa sổ, nền gạch, thậm chí cả dây điện, ổ cắm đều đã bị tháo dỡ. Nhiều ngôi nhà chỉ còn những tường đổ sập, cả bản tan hoang như tiêu thổ để đánh giặc.

Người dân ở đây cho biết, vào năm 2011, có một trận mưa rất lớn, ngày hôm sau, núi sau bản bắt đầu sạt lở. Một tảng đá khổng lồ trên đồi lăn xuống, san phẳng gian nhà bếp của 1 hộ dân. Sau đó, do sợ lở núi, có 7 hộ dân của khu tái định cư bản Khe Ò đã được di dời khẩn cấp.

Sau khi 7 hộ đầu tiên của bản di dời ra ở cạnh bờ sông Nậm Nơn thì những năm sau đó, lần lượt 37 hộ khác cũng tháo chạy ra khỏi bản tái định cư, để ở nơi khác vì lo sợ đá lăn và sợ còn có một vết nứt ở trên đỉnh núi sâu 2m, chiều dài ôm gần hết bản nếu không may lở sập xuống thì bản bị chôn vùi.

Một góc khu tái định cư của bản Khe Ò bỏ hoang nhiều năm nay

Một góc khu tái định cư của bản Khe Ò bỏ hoang nhiều năm nay

Sau khi 44 hộ đã rời bản, hiện, khu tái định cư bản Khe Ò chỉ còn vài gia đình trụ lại. Đây là những gia đình già cả, không có khả năng di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, ở đây họ cũng nơm nớp sợ đá lăn xuống, đất sản xuất thì không có, nơi học hành của các cháu thì ở xa.

Xin nói thêm, bản Khe Ò là một trong 2 bản tái định cư của bản Vẽ (trước đây) thuộc xã Yên Na, để lấy đất làm nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Sau khi chuyển về khu tái định cư, do điều kiện sống khác trước, người dân lại có thói quen canh tác, kiếm sống lâu đời, gắn với điều kiện tự nhiên, nên về khu tái định cư gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà đã bỏ vào trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, để chăn nuôi, bắt cá, còn lại phần lớn, làm nhà ở dọc bờ sông Nậm Nơn. Trong đó, có nhiều hộ ở trên phần đất làm công trình nhà ở cho công nhân trước đây.

Ông Lương Thanh Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho hay, ở thời điểm đó, khu dân cư thuộc bản Khe Ò có vài điểm sạt trượt rất nguy hiểm, chính quyền đã cho di dời khẩn cấp 7 hộ. Các hộ được phép tự tìm kiếm chỗ ở tạm nên họ đã mua lán trại cũ của một số nhà thầu để ở. Các hộ còn lại số còn lại là tự mua bán với nhau, xã không biết.

Trước đây, sau khi người dân bỏ tái định cư, họ lên đề nghị xã bố trí đất để ở, nhưng xã không có đủ quỹ đất. Do đó, nhiều hộ dân này, đã về ở trên diện tích đất trước đây sử dụng, để phục vụ xây dựng nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, nằm cạnh bờ sông Nậm Nơn, mặc dù chính quyền địa phương không cho phép. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, hiện nay, chính quyền các cấp của huyện Tương Dương, đang nỗ lực để từng bước bố trí nơi ở cho các hộ dân, để đảm bảo cuộc sống cho bà con” – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na Lương Bá Truyền cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Xử phạt doanh nghiệp “xoá sổ” đất nông nghiệp để khai thác mỏ

    Nghệ An: Xử phạt doanh nghiệp “xoá sổ” đất nông nghiệp để khai thác mỏ

    00:02, 15/11/2022

  • Lời giải nào cho tuyến đường sắt Tây Nghệ An?

    Lời giải nào cho tuyến đường sắt Tây Nghệ An?

    06:23, 11/11/2022

  • Vì sao nhiều dự án bất động sản ở Nghệ An chưa đủ điều kiện vẫn rao bán?

    Vì sao nhiều dự án bất động sản ở Nghệ An chưa đủ điều kiện vẫn rao bán?

    03:30, 11/11/2022

  • Nghệ An: Loay hoay xử lý cơ sở tập kết phế liệu trái phép ở TP Vinh

    Nghệ An: Loay hoay xử lý cơ sở tập kết phế liệu trái phép ở TP Vinh

    10:38, 10/11/2022

  • Nghệ An quyết liệt lập lại trật tự đô thị không gian biển Cửa Lò

    Nghệ An quyết liệt lập lại trật tự đô thị không gian biển Cửa Lò

    01:06, 10/11/2022

CAO SƠN