Gian dối kê khai thuế nhập khẩu: Lỗ hổng cần “bịt”
Dấu hiện gian dối, kê khai thuế nhập khẩu không đúng nhóm hàng,… nhằm trốn thuế tạo sự cạnh tranh không bình đẳng đang là lỗ hổng thất thu thuế Nhà nước, ảnh hưởng môi trường kinh doanh.
>>>Tổng cục Hải quan tiếp nhận 4 máy quang phổ phát hiện hóa chất
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế... Thu nộp ngân sách Nhà nước 7.666 tỷ đồng, khởi tố 380 vụ, 472 đối tượng. Riêng ngành Hải quan, tính đến ngày 15/10, đã phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 265 tỷ đồng; khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ...
Trốn thuế ngày càng tinh vi
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Thọ, để chống gian lận thương mại… Tổng cục đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm, hàng có giá trị lớn…thuế suất cao. Đặc biệt là cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, tình trạng gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ TMC Việt Nam (TMC) là đại lý phân phối cho các hãng ELECTROLUX, LAPAUW, IMESA, DOMUS, SIDI… dẫn chứng: Đối với ngành hàng máy giặt, sấy, TMC tuỳ vào từng loại sản phẩm để thực hiện kê khai thuế nhập khẩu theo nhóm 84.50 máy giặt gia đình hoặc máy giặt dùng trong các hiệu giặt với các mức thuế suất NK 5%, 12%, 25% tuỳ nước sản xuất và chứng nhận xuất xứ CO theo quy định pháp luật.
Nhưng một số công ty đang kê khai hàng máy giặt sấy sang nhóm khác để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% bằng cách kê khai máy giặt vắt thành máy giặt khô; Kê khai máy giặt vắt theo nhóm 84.51 máy giặt, tẩy trắng hoặc nhuộm trong dây chuyền dệt may nhưng thực chất không bán cho các công ty dệt may.
Minh chứng như, máy giặt Electrolux: Model: WE170V Code: 1LSP9B 914535416; Model: WN6-28, 380-415/50/3N, Code:006510456104; Model:W555H17, 220-230/50/1N, code:1LA21F 9863430152; Model: WN6-28, S/N: 006510456095. …đã khai báo hàng thuộc nhóm 84.51 và mã HS 84514000 (Máy giặt, tẩy trắng hoặc nhuộm - Washing, bleaching or dyeing machines) để hưởng thuế suất 0%.
“Trong khi mặt hàng này TMC đang khai báo thuộc nhóm 84.50, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 25%, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 12.5% ( Căn cứ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EVFTA)”, bà Thành nói.
Ở góc độ khác, ông Hoàng Hữu Lộc, Phó phòng bán hàng Công ty CP Pin và Ắc quy miền Nam (PINACO) cho hay: Theo quy định tất cả hàng nhập khẩu phải đóng VAT 8%, nhưng có tình trạng khai hải quan giá nhập thấp hơn giá trị nhiều lần dẫn đến thất thu thuế rất lớn, trước hết là VAT sau đó là thuế nhập khẩu.
Cụ thể, theo bảng giá và hoá đơn VAT Công ty thu thập được của một nhẵn ắc quy nhập khẩu thì họ xuất hoá đơn VAT chỉ bằng 66% so với bảng giá công bố đến khách hàng. Theo tính toán 1 bình ắc quy 120Ah có giá công bố là 2.840.000 đồng, giá xuất hoá đơn VAT 1.868.400 đồng, chênh lệch giá là 971.600 đồng, nếu nhân 8% thuế VAT thì nhà nước thất thoát 77.728 đồng/đơn vị sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm các công ty ắc quy nhập từ Hàn Quốc khoảng 6 triệu USD, tương đương 144 tỷ VND = 140.000 bình ắc quy (quy chuẩn), nhà nước sẽ mất khoảng 77.728 đồng x 140.000 bình = 10,8 tỷ đồng tiền thuế VAT (chưa tính thuế nhập khẩu)…
>>>Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép: Phúc đáp từ Tổng cục Hải quan…
Tránh thất thu thuế Nhà nước
Khẳng định sẽ phối hợp cơ quan thuế, quản lý thị trường... có biện pháp chấn chỉnh kịp thời tình trạng khai hải quan giá nhập thấp hơn giá trị nhiều lần, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu Đào Thu Hương cho biết: Việc kê khai hàng máy giặt sấy theo quy định hiện hành, hàng hóa đáp ứng mô tả “Máy giặt gia đình hoặc trong hiệu giặt (Household or laundry-type washing machine) kể cả máy giặt có chức năng sấy khô” thì được phân loại vào nhóm 84.50, có mức thuế suất ưu đãi MFN theo quy định là 25%.
Trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại các Hiệp định Thương mại thì hàng hóa thuộc nhóm 84.50 được hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt, cụ thể: mức thuế 0% theo Hiệp định ATIGA, 5% theo Hiệp định AKFTA hoặc VKFTA và 12,5% theo Hiệp định EVFTA. Nếu hàng hóa đáp ứng các điều kiện quy định tại Hiệp định ACFTA thì áp dụng mức thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt 0% hoặc 5% tùy từng loại mặt hàng chi tiết ở cấp độ 8 số (ví dụ, mức thuế suất ACFTA đối với mã số 8450.11.10, 8450.11.90 là 5%, đối với mã số 8450.19.11, 8450.19.19 là 0%).
Hàng hóa đáp ứng mô tả “Các loại máy (trừ máy thuộc nhóm 84.50) dùng để giặt, làm sạch, vắt, sấy, là hơi, ép (kể cả ép mếch), tẩy trắng, nhuộm, hồ bóng, hoàn tất, tráng phủ hoặc ngâm tẩm sợi, vải dệt hoặc hàng dệt đã hoàn thiện và các máy dùng để phết hồ lên lớp vải đế hoặc lớp vải nền khác, dùng trong sản xuất hàng trải sàn như vải sơn lót sàn; máy để quấn, tở (xả), gấp, cắt hoặc cắt hình răng cưa vải dệt” thì được phân loại vào nhóm 84.51. Theo đó, các loại máy giặt được sử dụng suốt trong quá trình sản xuất sợi dệt và vải dệt hoặc máy giặt khô (dry cleaning machinery) được phân loại vào nhóm 84.51có mức thuế suất ưu đãi MFN là 0 %, mức thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt trong các hiệp định thương mại là 0%.
Trước phản ánh của doanh nghiệp nhập khẩu, ngày 11/11, Tổng cục đã có công văn số 7203/TCHQ-TXNK yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp khai báo đầy đủ mô tả hàng hóa để tránh dẫn tới phân loại sai, không chính xác, đồng thời xử lý các trường hợp phát hiện sai phạm trong công tác phân loại hàng hóa, đảm bảo áp dụng thống nhất mã số hàng hóa.
“Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thập thông tin, phân tích, đánh giá thực trạng các Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng máy giặt để có chấn chỉnh các cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc khai báo đúng tên hàng, phân loại đúng mã số đối với mặt hàng máy giặt và có biện pháp xử lý đối với các dấu hiệu vi phạm”, bà Hương nói.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Hành vi cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bỏ sung năm 2017 là Hành vi trốn thuế.
“Hành vi trốn thuế có thể bị phạt tù nếu có hành vi đáp ứng các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo qua định của bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Đức cho hay.
Có thể bạn quan tâm
c
18:06, 07/05/2021
Tổng cục Hải quan: Bãi bỏ tờ khai nguồn gốc phương tiện nhập khẩu
23:41, 29/12/2020
Tổng cục Hải quan: Bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm hàng hóa gây ô nhiễm
00:30, 09/12/2020
Tổng cục Hải quan: Cần sửa đổi những chồng chéo trong dự thảo Luật Biên phòng
02:00, 07/11/2020
Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép: Phúc đáp từ Tổng cục Hải quan…
15:13, 26/10/2020