Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 2: Cần nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan quản lý

THU DUYÊN 12/02/2023 12:00

Thương mại điện tử xuyên biên giới còn mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.

Doanh nghiệp cần trang bị gì?

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ các quy định và luật pháp, biết áp dụng công nghệ và tối ưu chi phí logistics. Bởi vì, mặc dù thương mại điện tử đa quốc gia tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới nhưng mỗi thị trường thì lại có những quy định, yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm, cách thức giao dịch...Để có thể triển khai được thương mại điện tử đa quốc gia một cách hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm rõ những yêu cầu này.

>>Làm thế nào để vận động chính sách, pháp luật tạo thuận lợi thương mại hiệu quả?

Thương mại điện tử xuyên biên giới

Để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ các quy định và luật pháp, biết áp dụng công nghệ và tối ưu chi phí logistics

Theo đó, doanh nghiệp cần nắm rõ tất cả các bước quy trình vận hành logistics, bao gồm từ xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn cho đến vận chuyển và bảo quản hàng hóa. Để làm được điều này, các công ty cần áp dụng các công nghệ nhằm quản lý và đồng bộ hóa dữ liệu, tự động hóa các hoạt động quản lý đơn hàng, quản lý tình trạng hàng tồn và vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, từ đó giảm thiểu rủi ro.

Hơn nữa, việc tính toán các phương án logistics sao cho tối ưu chi phí để có giá bán cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề quan trọng khi phân phối hàng hóa tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp có thể tập trung hàng hóa vào một kho, lựa chọn một đối tác cung cấp dịch vụ logistic toàn diện từ lưu kho đến vận chuyển, tự động hóa quy trình xử lý đơn hàng…

Có thể nói, TMĐT xuyên biên giới như một cánh tay nối dài, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm Việt tới các thị trường tiềm năng nhờ kết nối trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, quảng bá trực tiếp thương hiệu doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, kênh TMĐT xuyên biên giới giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thiểu tối đa các chi phí mà hình thức xuất khẩu truyền thống đang phải gánh vác như chi phí marketing, lưu kho, tiếp cận khách hàng… cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế, tiếp cận được với thị trường thế giới một cách chuyên nghiệp hơn, để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

>>Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 1: Thiếu hành lang pháp lý

Nỗ lực từ cơ quan quản lý

Việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hội nhập toàn cầu vì vậy, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng đã đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

hội nghị Tập huấn kỹ năng vận động chính sách và pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vừa tổ chức hội nghị Tập huấn kỹ năng vận động chính sách và pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới tại Hải Phòng

Đến ngày 27/03/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 431/QĐ- TTg phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với mục tiêu là xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu; xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử như: quy trình thủ tục hải quan, cách xác định trị giá hải quan, việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, miễn cấp phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành.

Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đề án đã đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Giải pháp liên quan đến xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử và xây dựng cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử liên quan đến các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

Việc phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay cho thấy sự nỗ lực quyết liệt của Thủ tướng Chính Phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng thực tiễn đa dạng của hoạt động thương mại điện tử, dần hoàn thiện mô hình Chính phủ điện tử và nắm bắt xu thế phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.

Cũng theo ông Hải, trong thời gian này, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của chính phủ về Thương mại điện tử. Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử với nhiều điểm mới cơ bản như thêm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch  vụ  logistics; Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử; Bổ sung trách nhiệm  của  thương  nhân,  tổ  chức  cung  cấp  sàn  giao  dịch thương mại điện tử; Đăng ký thiết lập website thương mại điện tử chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao, chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải nộp bản chính.

Có thể bạn quan tâm

  • Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp

    Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp "tăng tốc"

    00:05, 22/10/2022

  • Chống thất thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới

    Chống thất thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới

    18:25, 06/10/2022

  • Thương mại điện tử xuyên biên giới:

    Thương mại điện tử xuyên biên giới: "Bàn đạp" để doanh nghiệp bứt phá

    15:53, 06/10/2022

THU DUYÊN