Cần chế tài xử lý doanh nghiệp nợ thuế
Đối với các doanh nghiệp nợ thuế, chây ì, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang đưa ra các chế tài như cưỡng chế thuế, ngừng giao dịch hoá đơn để thu hồi dứt điểm các khoản nợ.
>>Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” – Cần tìm lối ra từ chính sách tài khóa
Đây là những kiến nghị của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đối với Chi cục thuế cùng cấp. Hiện toàn tỉnh đang ghi nhận có 81 doanh nghiệp nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng với tổng số tiền gần 260 tỷ đồng và 13 doanh nghiệp nợ tiền gia hạn thuế với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị nợ nhiều nhất là Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh có địa chỉ tại ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Năm 2009, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng tại một phần các tiểu khu 523, 539, 540 xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh với quy mô đến 549ha.
Trong đó, diện tích trồng cây cao su là 345ha. Khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 187ha, trồng keo lai 7,5ha, xây dựng vườn ươm, hồ nước 3,4ha. Diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng 2700m2, đất sông suối, đường 5,6ha.
Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng là trên 60 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ từ khi được giao đến hết năm 2011.
Theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, đến tháng 10/2016, cơ quan chức năng phát hiện 111ha không còn rừng, không còn trữ lượng gỗ trong tổng diện tích 187ha khoanh nuôi bảo vệ, xúc ttiến tái sinh rừng tự nhiên. Đối với diện tích rừng bị mất tại dự án trồng cao su của Công ty Hoàng Thịnh, Sở Tài chính Lâm Đồng đã xác định số tiền bồi thường do làm mất rừng với số tiền 69,8 tỉ đồng.
UBND huyện Đạ Tẻh đã đề xuất thu hồi hơn 222ha thuộc một phần diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ và một phần diện tích đã khai thác tận dụng xong lâm sản nhưng chưa xử lý thực bì, tái sinh thành rừng. Doanh nghiệp cũng không thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, để rừng bi phá, lấn chiếm trái phép trên diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ nhưng không có giải pháp ngăn chặn. Ngoài ra, đến nay một số hạng mục của dự án thực hiện chậm hoặc không thực hiện.
Ba địa phương có số nợ lớn từ các doanh nghiệp là huyện Đạ Tẻh với số tiền 76 tỷ đồng, huyện Đức Trọng hơn 55 tỷ đồng và huyện Lạc Dượng doanh nghiệp nợ với số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Tại huyện Đức Trọng cũng xác định 2 doanh nghiệp khác nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và gia hạn dự án là Công ty TNHH SXTM Hồng Thuận Đức Trọng với số tiền 19,9 tỷ đồng và Công ty TNHH Vĩnh Tuyền Lâm nợ với số tiền hơn 22,5 tỷ đồng.
Tại huyện Lạc Dương, nợ nhiều nhất là Công ty TNHH TM DV XNK Võ Hà Lê hiện đang nợ hơn 18,9 tỷ đồng và Công ty TNHH Ngọc Mai trang cũng đang nợ hơn 12,4 tỷ đồng.
Các công ty có số thuế nợ lớn đều đang hoạt động, tuy nhiên đang có biểu hiện chây ì nộp thuế. Văn bản của Sở Tài chính Lâm Đồng thể hiện rõ: “việc chấp hành nộp thuế của các đơn vị này là rất hạn chế”.
Do đó, Sở Tài Chính kiến nghị Cục thuế tỉnh cùng cấp phối hợp đôn đốc và có biện pháp chế tài, cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác có liên quan để thu hồi dứt điểm các khoản nợ cho ngân sách nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật
21:15, 18/05/2022
Vụ mua sắm thiết bị bảo vệ rừng tại Gia Lai: Chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra
10:50, 17/05/2021
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa: Sáng tạo, linh hoạt trên mặt trận quản lý, bảo vệ rừng
06:00, 11/05/2020