“Tác dụng phụ” từ hai phương án rút BHXH 1 lần
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất 2 phương án liên quan rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu phương án phù hợp hơn.
>>Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/8, đối với vấn đề hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Trong đó, nhóm 1 là đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 là đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Rút BHXH 1 lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm
Phương án này có ưu điểm là từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua. Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh.
Nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ưu điểm phương án này là hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).
Nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Góp ý kiến về quy định rút BHXH một lần, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, xu hướng rút 1 lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, trong vấn đề an sinh xã hội.
Hai phương án trong dự thảo đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần. Ông Phan Văn Anh đánh giá mỗi phương án đều có ưu, khuyết điểm nên đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm…
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thừa nhận rút BHXH 1 lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp thì dễ xảy ra những điều có thể không hình dung hết.
>>Phối hợp quản lý thu bảo hiểm xã hội
>>Tăng cường thanh tra, xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Có lao động chọn giải pháp “hưởng chạy luật”
Trước đó, tại buổi lấy kiến về quy định rút BHXH hôm 11/8 do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức, bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (TP HCM) cho biết người lao động rất quan tâm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, đặc biệt là quy định liên quan nhận trợ cấp một lần. "Do chưa biết phương án nào được chọn, có lao động tự đưa ra giải pháp cho mình", bà Kha nói.
Cụ thể, nhiều công nhân chủ động nộp đơn nghỉ việc để không bị chính sách mới tác động. Nhằm tránh phương án hai, họ nghỉ việc lúc này vừa đủ thời gian chờ một năm không tham gia BHXH rồi rút toàn bộ tiền đã đóng.
Sau đó họ vẫn kịp tham gia lại thị trường lao động trước năm 2025, tức thuộc nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực nên tiếp tục được rút một lần nếu phương án một được chọn. "Những giải pháp trên được xem là “hưởng chạy luật”, gây biến động nhân sự tại doanh nghiệp, cơ quan chức năng lo ngại", bà Kha nói.
PSG.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội cho rằng, phương án nào được chọn cũng gây “tác dụng phụ”. Không ít lao động mặc định đây là khoản tiết kiệm nên luật hạn chế nhận một lần họ sẽ tìm cách lách để rút cho bằng được.
"Không thể một giải pháp hài lòng tất cả. Quan trọng giải pháp đó có đúng mục tiêu an sinh mà Việt Nam theo đuổi hay không?", ông Lộc bày tỏ.
Ngoài ra, Việt Nam hướng đến hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, tức đảm bảo tất cả lao động đều trong lưới an sinh, người già đều có một trong các loại trợ cấp từ quỹ hưu trí hoặc ngân sách.
Điều này tương đồng mô hình nhà nước phúc lợi mà các nước Bắc Âu thực hiện, tức người dân có đóng thuế, phí, bảo hiểm khi hết tuổi lao động sẽ được đảm bảo an sinh cho đến khi qua đời.
Theo ông Lộc, việc cho rút BHXH một lần và lao động tự quyết định cuộc sống khi về già khiến họ dễ rơi vào đói nghèo là không đúng bản chất. "Tôi ủng hộ phương án những người tham gia từ khi luật mới hiệu lực sẽ không được rút", ông Lộc nói.
Phương án này không ảnh hưởng những người đang tham gia nên sẽ không xảy ra phản ứng. Song, ngành chức năng cần thông tin cho nhóm chuẩn bị gia nhập thị trường lao động hiểu bản chất của bảo hiểm xã hội là khoản tiền dành cho tuổi già và không được rút ra khi còn sức làm việc.
Qua thời gian, số người đủ điều kiện nhận trợ cấp một lần giảm dần, cùng với đó việc hình thành một thế hệ tham gia BHXH với ý thức mới sẽ giúp giải quyết dứt điểm vấn đề.
"An sinh là lâu dài, bền vững và thống nhất. Nếu dây dưa, 5-10 năm nữa lại tiếp tục đem ra bàn và xáo trộn", ông Lộc nhận mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
17:00, 17/08/2023
Phối hợp quản lý thu bảo hiểm xã hội
02:00, 07/08/2023
Tăng cường thanh tra, xử lý doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội
00:30, 02/08/2023
Người lao động mất niềm tin vì nợ bảo hiểm xã hội
01:00, 29/07/2023