Có nên nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá?

NGUYỄN VIỆT 28/11/2023 04:00

Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

>>Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng "thông đồng, dìm giá"

Trước đó, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đấu giá tài sản, để tránh trục lợi trong hoạt động đấu giá đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị cần nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua.

, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

“Việc nâng mức đặt trước đấu giá được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nếu đặt cọc tài sản cao thì có thể hạn chế số người tham gia đấu giá. “Vì vậy, tư cách của người đấu giá rất quan trọng nên tổ chức đấu gia phải chứng minh tài sản đảm bảo của người tham gia đấu giá”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn TP. HCM) cho rằng, thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế…

“Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ”, đại biểu Dương Ngọc Hải đề xuất.

Cùng với đó, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá, để cho họ thấy rằng nếu như vi phạm luật thì có thể mất tiền cọc và bị phạt hành chính.

Thực tiễn, trong thời gian qua việc tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, nên quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản.

Đại biểu Dương Văn Thăng (Đoàn TP. HCM) đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi, cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

>>Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc

>>Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc về tỷ lệ tiền đặt trước như thế nào để vừa phù hợp, vừa đảm bảo sự cân nhắc của các cá nhân mong muốn trong tham gia đấu giá tài sản.

Cần cân nhắc tùy thuộc vào loại hàng hóa, giá trị hàng hóa, đặc biệt loại hàng hóa có tính chất phức tạp, nhạy cảm như đấu giá quyền sử dụng đất làm nhiễu loạn thị trường thông qua việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên, tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường và gây khó khăn cho công tác quản lý.

“Việc tăng mức đặt cọc, mức phạt đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất công, thực hiện dự án kinh doanh bất động sản như dự thảo Luật là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ.

Tham gia góp ý về đề xuất cần xem xét nâng mức tiền đặt trước từ mức tối thiểu là 20% và tối đa là 50% giá trị tài sản đấu giá, vì khung số tiền đặt trước như dự thảo Luật đang quy định là quá thấp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Kiên Giang) cho biết, theo thông lệ thế giới có những loại tài sản không quy định về tiền đặt trước. Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã nâng mức tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất lên tối thiểu là 15%, tối đa là 20%.

“Do vậy, không thể tiếp tục nâng mức tiền đặt trước. Nếu tăng nữa sẽ bị biến chất không phải là đấu giá, thậm chí nếu tăng tiền đặt trước lên 50% hay 100% giá trị tài sản để chống những trường hợp "xù", thì đã trở thành mua bán tài sản”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, trên cơ sở nghiên cứu thông lệ thế giới, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tăng lên các mức tiền đặt trước như thể hiện tại dự thảo Luật. Với mức tăng hiện nay khi đấu giá tài sản lớn cũng đã trở thành hàng rào kỹ thuật để hạn chế những doanh nghiệp nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc

    04:00, 27/09/2023

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng "thông đồng, dìm giá"

    17:03, 16/08/2023

  • Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Cân nhắc bỏ quy định bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc

    03:00, 06/07/2023

NGUYỄN VIỆT