Thái Bình: Năm 2020 có trên 9.000 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả

K. Lãng, H. Minh, T. Linh 18/01/2018 15:54

Với nhiều giải pháp thiết thực, nhiệm kỳ 2012 – 2017, HHDN tỉnh Thái Bình đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trẻ có sự phát triển vững chắc và trở thành các Tập đoàn, các Tổng công ty lớn.

Tại Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình khoá III, nhiệm kỳ 2017 – 2022 diễn ra sáng 18/1, ông Trần Quốc Khoa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2012 – 2017 cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 5.600 doanh nghiệp và trên 700 chi nhánh văn phòng đại diện dăng ký hoạt động, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, nộp ngân sách ngày càng tăng từ 1.350 tỷ đồng năm 2012, năm 2017 tăng lên 4.495 tỷ đồng chiếm 65,5% % trong tổng thu ngân sách của tỉnh và bằng 330,3% so với số nộp của năm 2012.

Lửa thử vàng - gian nan thử sức

Trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt, đội ngũ doanh nhân tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ bé, vốn ít, công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực thấp, thiếu kiến thức kinh doanh hiện đại đang làm cản trở cho sự phát triển  của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm qua lực lượng doanh nghiêp, doanh nhân tỉnh đã vượt khó, có bước phát triển, trưởng thành vượt bậc, đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi chung trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.                                        

Chú thích ảnh: TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam tặng hoa ông Đỗ Văn Vẻ, được bầu làm Chủ tịch HHDN nhiệm kỳ III (2017 – 2022)

Chú thích ảnh: TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tặng hoa ông Đỗ Văn Vẻ - người được bầu làm Chủ tịch HHDN nhiệm kỳ III (2017 – 2022)

Cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu và tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến dự thảo hiến pháp sửa đổi năm 2013, Bộ luật lao động, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ ngành, tham gia ý kiến xây dựng dự thảo cơ chế chính sách của tỉnh như: Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ giai đoạn 2016- 2025 tầm nhìn 2030…

Ngoài ra, Hiệp hội đã tổ chức được nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp trong đó đặc biệt chú ý tuyên truyền phổ biên triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/ 2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020... “Thông qua hoạt động này các doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ hơn và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các chủ trương chính sách của nhà nước và của tỉnh, làm cơ sở tiến tới xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ mới” - ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, để giúp các doanh nghiệp kịp thời cập nhật năm bắt thông tin tìm ra các giải pháp, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và hội nhập kinh tế. Hiệp hội đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, các Sở, ngành trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, đất đai. Trong 5 năm qua đã tổ chức được 44 lớp tập huấn cho 4.060 lượt cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp về nâng cao năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, khởi nghiệp, Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản trị doanh nghiệp...

Đặc biệt, ngoài việc tập hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên và phối hợp với Sở Công thương, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức thành công các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp được tổ chức hàng năm và thông qua chương trình cà phê doanh nhân Hiệp hội phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trực tiếp kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng giải quyết kịp thời cho các doanh nghiệp về TTHC, đất đai, GPMB, môi trường đầu tư, vay vốn cũng như các vấn đề quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý… Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức nhiều đoàn doanh nhân của tỉnh đi nghiên cứu thăm quan giao lưu, học tập, tham dự hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác với các tỉnh thành trên cả nước…

Thách thức hiện hữu

Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lần thứ ba, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã dân chủ hiệp thương bầu BCH gồm 51 ủy viên, BCH Hiêp hội đã bầu Ban thường vụ gồm 17 ủy viên; Ban kiểm tra 03 người, thường trực Hiệp hội gồm 01 chủ tịch và 08 phó chủ tịch. Ông Đỗ Văn Vẻ được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhiệm kỳ III (2017 – 2022).

Nói về chiến lược phát triển của Hiệp hội, ông Vẻ cho biết, sau Đại hội, Hiệp hội khắc phục những khó khăn hiện hữu như: một số doanh nghiệp chấp hành chính sách pháp luật về thuế, bảo hiểm xã hội, sử dụng đất đai tài nguyên, môi trường thiếu nghiêm túc. Việc nắm vững tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp phản ánh cho tỉnh và các ngành chức năng để kịp thời giải quyết tháo gỡ còn hạn chế. Công tác đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp hội viên làm chưa được nhiều. Việc tham gia ý kiến đóng góp xây dựng văn bản luật cũng như các chính sách của trung ương và tỉnh có liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp chưa được nhiều. Số lượng doanh nghiệp tham gia hội viên chiếm tỷ lệ thấp so với số doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tuy có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trẻ đã có sự phát triển vững chắc và trở thành các Tập đoàn, các Tổng công ty lớn có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, vì vậy việc phát triển các doanh nghiệp để đạt mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 có trên 9.000 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ III số lượng hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp tăng trên 50% so với nhiệm kỳ 2012-2017” - ông Vẻ nói..

Đánh giá cao của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đề nghị Hiệp hội 4 vấn đề. Thứ nhất, vai trò của Hiệp hội phải là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của hội viên. Đó chính là hai sứ mệnh quan trọng nhất của mọi hiệp hội. Theo đó, muốn bảo vệ được hội viên thì phải bảo vệ được môi trường kinh doanh, phải góp phần xây dựng môi trường kinh doanh tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, và bảo vệ được số phận của từng doanh nghiệp riêng lẻ khi họ khó khăn vướng mắc, khi họ có những cái điều oan ức, xung đột với chính quyền hay là cơ quan, tổ chức. Hiệp hội phải là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.

Về môi trường kinh doanh của Việt Nam thì Hiệp hội trong tỉnh cũng như các hiệp hội cả nước nói chung có nhiệm vụ hiến kế, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong từng địa phương và trong phạm vi cả nước. Hiện nay nước ta đang bắt đầu làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam, hiện nay chúng ta đẩy mạnh cải cách thể chế và kinh tế rất mạnh mẽ. “Cách đây 3 ngày Thủ tướng vừa ra quyết định rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, đó là ký Nghị định Chính phủ loại bỏ ngay lập tức 55% điều kiện kinh doanh và các TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành điều kiện kinh doanh của Bộ công thương. Và mới đây tôi có tham dự cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng chủ trì tôi cũng có phát biểu, không chỉ Bộ công thương, tất cả các Bộ ngành, địa phương khác hoàn toàn có thể giảm được 50% điều kiện kinh doanh, TTHC hiện nay. VCCI, CEM (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW) đã đưa ra nghiên cứu chỉ ra được những những điều kiện kinh doanh những TTHC cần cắt giảm ngay 50%, và trong tương lai sẽ còn phải cắt giảm nhiều hơn. Bộ Công thương đi đầu trong việc cắt giảm như vậy, tôi biết rằng hiện nay Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ hiện nay đang có kế hoạch. Sắp tới một loạt các Bộ ngành sẽ thực hiện Nghị quyết của Chính phủ” TS. Lộc cho biết.  

Cũng theo TS. Lộc, Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với VCCI tiếp tục hiến kế, đề xuất những điều kiện kinh doanh, những thủ tục không hợp lý đang chói chân, chói tay doanh nghiệp, Để doanh nghiệp phát huy sự sáng tạo vì sự phát triển của đất nước. Cho nên việc đóng góp cải thiện môi trường kinh doanh rất quan trọng, các Hiệp hội phải coi đây là trọng tâm. VCCI hàng tháng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ một lần. Hàng quý phải báo cáo Thủ tướng về những kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Tôi rất mong sẽ nhận được các kiến nghị tích cực từ hiệp hội doanh nghiệp tỉnh” TS. Lộc nói.

Thứ hai là, xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển, hiện nay chúng ta đang nói đến Chính phủ kiến tạo, không chỉ Chính phủ kiến tạo mà cả Chính quyền kiến tạo không chỉ tạo ra sân chơi, trọng tài mà Chính phủ, Chính quyền còn đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển thông qua chính sách phát triển, chính sách công nghiệp. Chính quyền chuyển từ vai trò kiểm soát sang vai trò định hướng dẫn dắt phục vụ cho sự phát triển. Đây là cuộc cách mạng quan trọng trong tư duy quản lý điều hành của cấp chính quyền và xây dựng chính sách phát triển. Ví dụ như Thái Bình tập trung phát triển ngành, lĩnh vực, định hướng nào? Việc đó là việc của Chính quyền tỉnh. Đương nhiên là công đồng doanh nghiệp phải đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển này, bởi cộng đồng doanh nghiệp hiểu hơn ai hết những vấn đề kinh doanh, kinh tế. Vì vậy cộng đồng doanh nghiệp phải chụm đầu, hiến kế, xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh.

Thứ ba là xã hội hoá hành chính công, chuyển giao các dịch vụ công từ các cơ quan chính quyền sang các hiệp hội… Đây là nhứng hướng rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh, cho nên việc xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến đầu tư triển khai một cách chuyên nghiệp có hiệu quả là điều cần thiết. “VCCI đang xây dựng bộ tài liệu tập huấn hướng dẫn các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư cho các tỉnh… chúng tôi sẽ phối hợp với hiệp hội để triển khai vấn đề này” - TS. Lộc khẳng định.

Thứ tư là nâng cao năng lực cạnh tranh, công đồng doanh nghiệp cần nâng cấp mình. Điều quan trọng hiện nay không phải quy mô lớn hay nhỏ mà vấn đề là nhanh hay chậm. Nếu doanh nghiệp NVV siêu nhỏ nếu đạt chuẩn quốc tế, phát triển bền vững thì có thể vươn ra thị trường thế giới và lớn. Còn nếu không đạt chuẩn thì nay có thể lớn nhưng mai sẽ không còn trên bản đồ kinh tế của Việt Nam và trên thế giới nữa. Chính vì vậy, ngay từ những bước đi đầu tiên thì doanh nghiệp cũng phải là định hình cho chiến lược phát triển bền vững và vươn tới chuẩn mực quốc tế. Đây là con đường độc đạo nếu doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển. VCCI sẽ phối hợp vối hiệp hội tỉnh tổ chức tập huấn trang bị đưa ra những mô hình, tiêu chuẩn để xây dựng cho doanh nghiệp NVV, siêu nhỏ chuẩn mực quốc tế…

“Theo quan sát tôi thấy gần đây việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh rất tích cực, các hoạt động xúc tiến của tỉnh rất mạnh mẽ. Nhưng năng lực của doanh nghiệp cần được nâng lên…” TS. Lộc nhìn nhận.

Đặc biệt, TS. Lộc đánh giá thêm rằng, sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp sự chụm đầu giữa chính quyền và doanh nghiệp rất tốt thông qua đối thoại, cà phê doanh nhân… Tuy nhiên cà phê doanh nhân hay cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan chính quyền không chỉ việc chính quyền giúp cho doanh nghiệp, giúp giải quyết vấn đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn là lớp học cho lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh có thể học tập từ doanh nhân, từ người dân có thể có những hiến kế sâu sắc của người dân để phát triển. Cho nên sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp không chỉ chính quyền làm ơn cho doanh nghiệp mà còn là cơ hội để chính quyền hiểu người dân và doanh nghiệp và học người dân và doanh nghiệp phát triển… Tôi tin rằng những vấn đề quản trị chính quyền hiểu hơn doanh nghiệp, nhưng những vấn đề kinh doanh doanh nghiệp hiểu hơn chính quyền…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Diên - Uỷ viên TW Đảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, Hiệp hội cần quán triệt, thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, năng động, sáng tạo và hiệu quả”; thực hiện tốt hơn nữa chức năng của người đại diện, cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước; tăng cường sâu sát, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để tổng hợp và  phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục; phấn đấu xây dựng Hiệp hội thực sự là mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân…

Chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, trọng tâm là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Tỉnh cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo phát triển và thúc đẩy khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp phát triển. “Trước mắt, tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD của các doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút gọn quy trình, thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục; nâng cao ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tạo cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp thăng hoa” ông Diên chia sẻ.

K. Lãng, H. Minh, T. Linh