Điện Quang bao giờ "phát quang"?

Tiến Minh 01/02/2018 13:30

CTCP Bóng đèn Điện Quang - "ông hoàng ánh sáng" một thời đã có một năm 2017 chật vật khi giá cổ phiếu rớt thảm, tác động mạnh từ thị trường, hoạt động kinh doanh không mấy tươi sáng.

Điện Quang là một trong 2 nhà sản xuất trong top đầu Việt Nam về các thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, bên cạnh Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Với thương hiệu được xây dựng trong hơn 40 năm, các sản phẩm đèn LED, đèn compact, bóng đèn và thiết bị điện của công ty được người tiêu dùng trong nước biết đến, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.

Lực cản của Điện Quang

Từ năm 2013, các sản phẩm đèn LED bắt đầu được Điện Quang tiến hành sản xuất theo xu hướng thay thế các dòng sản phẩm truyền thống của thị trường. Trong chuỗi giá trị về đèn LED, công ty tiến hành nhập chip LED rồi tiến hành dán chip, lắp ráp và thiết kế đèn. Do đó, ngoại trừ chip LED, hầu hết các linh kiện Điện Quang đều có thể tự sản xuất nên tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%.

Tuy nhiên, thị trường đèn LED trong thời gian gần đây tuy tăng trưởng cao nhưng cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ ngay thị trường nội địa.

Bên cạnh những khó khăn trong cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa, Điện Quang còn vấp phải nhiều khó khăn trong thị trường xuất khẩu. Giai đoạn năm 2013 - 2015, doanh thu xuất khẩu của DQC tăng mạnh, tuy nhiên trong đó đến từ việc công ty thanh lý lô hàng Compact tồn từ 2007 có giá vốn thấp.

Từ năm 2016, khi không còn đóng góp của lô hàng trên, những khó khăn trên thị trường xuất khẩu mới hiện rõ khi các sản phẩm của Điện Quang khó lòng cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc vốn có giá thành sản phẩm thấp hơn do năng lực sản xuất quy mô lớn và tính chuyên môn hóa cao.

Khi giá vẫn là yếu tố chi phối thị hiếu của người tiêu dùng, Điện Quang đã bị cuốn vào cuộc chiến với các sản phẩm đèn LED của Trung Quốc. Thời gian qua, DQC đã chuyển dịch rõ rệt về cơ cấu bán hàng khi mảng đèn truyền thống giảm tới 40% trong khi đèn LED tăng gần 50% và hiện đang chiếm 37% tổng doanh thu. Song, cuộc chiến về giá khiến doanh thu được duy trì nhưng lợi nhuận quý 3 của DQC lại giảm rõ rệt.

Bài toán tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng này. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, Điện Quang vẫn còn những cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Với tỷ lệ thâm nhập của đèn LED tại Việt Nam hiện mới chỉ ở mức 10%, thị trường chiếu sáng trong 3-4 năm tới đây có thể là cơ hội lớn để Điện Quang tăng trưởng quy mô, lấy lại phong độ "ông hoàng ánh sáng" một thời.

Điện Quang là một trong 2 nhà sản xuất trong top đầu Việt Nam về các thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, bên cạnh Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Điện Quang là một trong 2 nhà sản xuất trong top đầu Việt Nam về các thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, bên cạnh Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Thêm một năm... buồn

CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2017 với kết quả lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Theo đó, doanh thu thuần quý IV đạt 378,8 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.

Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết cũng đạt hơn 7,6 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Tuy nhiên tại quý IV, doanh thu từ hoạt động tài chính lại chỉ mang về hơn 17,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 44,8 tỷ đồng cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng tới 73%, chiếm 44,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính lại chỉ mang về hơn 17,9 tỷ, giảm mạnh so với con số 44,8 tỷ cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng tới 73%, chiếm 44,3 tỷ đồng.

Được biết, nguyên do chủ yếu là yếu tố chi phí tăng cao đồng thời doanh thu tài chính từ khách hàng Cuba không còn. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của quý IV chỉ còn 36,9 tỷ đồng, giảm 36%.

Trước đây 10 năm, DQC ghi nhận khoản phải thu lên tới cả nghìn tỷ đồng với khách hàng là Consumimport (Cuba) với khả năng thu hồi khi đó bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, số tiền này sau đó đã bắt đầu được thanh toán dần bằng USD trong giai đoạn 2008-2016.

Điều này giúp công ty ghi nhận doanh thu tài chính đều qua các năm, bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm. Theo ước tính, khoản phải thu tưởng chừng khó đòi này mỗi năm đem về cho Điện Quang từ 50 đến 70 tỷ đồng lợi nhuận, và đỉnh điểm là 100 tỷ đồng trong năm 2016.

Tuy nhiên, khi khoản phải thu đã gần như được xử lý xong, doanh thu tài chính của Điện Quang giảm mạnh. Ngoài ra, Điện Quang cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm Trung Quốc, vốn có lợi thế lớn về giá thành.

Lũy kế cả năm 2017, Điện Quang đạt 1.056 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy tăng trưởng doanh thu tăng nhẹ 2% tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 45%, đạt 111 tỷ đồng.

Tính đến hết 31/12/2017, tổng giá trị tài sản đạt hơn 1.602 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với đầu năm. Khoản tiền và tương đương tiền giảm 13% xuống 280,6 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 400,5 tỷ đồng, tăng 29,4% so với đầu năm.

Vốn chủ sở hữu chiếm hơn 70,5% tổng nguồn vốn. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 131 tỷ đồng, tăng 170% so với đầu năm.

Năm 2017, DQC đặt kế hoạch 1.050 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và 150 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Với kết quả đạt được, tuy đã vượt kế hoạch doanh thu song lợi nhuận lại chỉ mới đạt 89% kế hoạch năm.

Có thể thấy năm 2017 là một năm khá “sóng gió” với Điện Quang. Bên cạnh những tác động từ thị trường, hoạt động kinh doanh năm 2017 của Điện Quang được cho là chịu tác động khá lớn từ quá trình thanh tra Nhà nước đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Tiến Minh