Doanh nghiệp chung tay gieo mầm ước mơ
Khi năm 2017 đang khép lại, có một thông điệp xuyên suốt được các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhắc đến nhiều lần. đó là: thế giới đang thay đổi rất nhanh, bạn phải đầu tư cho con người và giáo dục! Mà muốn thế thì không thể không xây dựng văn hóa đọc.
Tháng 12/2017, theo chân một số bạn trẻ, tôi phát hiện ra họ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), các bạn sinh viên, các cá nhân đang lặng lẽ gieo mầm, mang sách đến vùng sâu, vùng xa cho trẻ em nghèo.
Tháng 10/2017, Hà Vũ Bảo Giang, CEO Công ty nhượng quyền Cà phê GT (thương hiệu Z!cafe) ở Đồng Nai đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp SME khai trương một thư viện nhỏ tại Trường tiểu học Lam Sơn, ấp Bầu Sình, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tại buổi khai trương thư viện, rất nhiều học sinh lẫn giáo viên đã có mặt. Cả người trao lẫn người nhận đều xúc động. Bảo Giang cho biết, vì là doanh nhân có dịp đi nhiều nơi nên anh có một số “vệ tinh” giúp tìm kiếm, phát hiện những địa chỉ thực sự cần hỗ trợ. Khi đã xác định đúng nơi cần hỗ trợ, mọi việc còn lại đơn giản rất nhiều.
Cũng như thế trong ngày cuối tuần, thứ Bảy 16/12, một nhóm khoảng 15 bạn trẻ trong cộng đồng SME đã cùng về trường tiểu học Lê Lai, tổ 6, ấp Thọ Bình, Xuân Thọ, Đồng Nai để khánh thành thư viện khoảng 40m2 cho các học sinh tại đây. Không chỉ mang sách, đồ chơi khoa học, dụng cụ vẽ tranh đến cho nhà trường, các bạn còn chuẩn bị sẵn giấy, bút viết, dụng cụ trang trí, sơn… và hướng dẫn cho các em học sinh cắt hình, trang trí Noel, chơi các trò chơi đồng đội, tạo không khí sôi động khắp sân trường. Trước đó, một thư viện khác cũng được nhóm cựu sinh viên học viện CFGV và CLB SME triển khai ở Trường Tiểu học Tân Phước B, ấp Cây Điện, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước.
Ngoài những thư viện này, chuyên gia Nguyễn Phi Vân và các doanh nghiệp còn triển khai một thư viện ở Trường Trung học Bình Mỹ, huyện Bình Khánh, Cần Giờ; một thư viện ở trường trung học cơ sở Ngô Quyền, xã CM'Ta, huyện M'Drak (một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk), Thư viện Ước mơ Đà Lạt 1 - Trường Tiểu học Trưng Vương, Thư viện Ước mơ Đà Lạt 2 - trường Khiếm Thính Lâm Đồng…
Chị Nguyễn Ngọc Thùy, CEO của công ty Iced Coffee, một doanh nghiệp ở Nha Trang cho biết, sở dĩ Iced Coffee quyết định triển khai thư viện ở Đắc Lắk, vì đây là một chương trình nhiều ý nghĩa. Chọn làm thư viện ở Đắc Lắk vì chính đây cũng là nơi sản sinh ra hạt cà phê mà Iced Coffee đã mang đến cho người tiêu dùng khắp nơi.
Những doanh nghiệp trẻ hoặc cá nhân dù góp ít hay góp nhiều vẫn không ngần ngại đóng góp sức cho những thư viện ước mơ. Theo chị Cổ Huệ Anh, CEO của thương hiệu thời trang Hnoss, cũng là Trưởng ban dự án Thư viện Ước mơ của Cộng đồng SME, đến nay cộng đồng SME này đã có lịch sinh hoạt thường xuyên. Khoảng 2 tuần 1 lần, nhóm thông tin đến các thành viên một chủ đề cần chia sẻ (kinh doanh, tài chính, quản trị…), mời chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm đến nói chuyện, trao đổi thực tế. Các doanh nghiệp tham dự sẽ tự nguyện nộp một số tiền vào quỹ (do nhóm tự quản lý). Sau đó ban dự án dùng số tiền này để lên chương trình xây dựng các thư viện ước mơ. Có những thư viện do nhiều doanh nghiệp cùng đóng góp, cũng có thư viện do cá nhân hoặc một doanh nghiệp SME đứng ra tài trợ…
Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, người Việt Nam dành 3 giờ mỗi tuần để đọc sách. Mỗi năm chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Trong khi đó, người Nhật đọc 10 cuốn sách/năm; người Đức đọc còn nhiều hơn: mỗi tuần đọc một cuốn sách, tức khoảng 52 cuốn/năm.
Thực tế là người Việt ít đọc sách dù Việt Nam có khá nhiều thư viện. Theo thống kê, Việt Nam có hệ thống các thư viện rộng khắp với 64 thư viện tỉnh, thành; 582 thư viện cấp quận, huyện; gần 6.046 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản. Ngoài ra còn có gần 20.000 thư viện tại các trường trung học. Hầu hết các trường đại học đều có thư viện. Thế nhưng, cũng theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, chỉ có khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên tại các thư viện cấp trung ương; khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc ở thư viện cấp tỉnh, 500 - 600 bạn đọc ở thư viện cấp huyện và 100 - 200 bạn đọc ở thư viện cấp xã. Đáng buồn hơn, nông dân là đối tượng ít đọc sách nhất (0 cuốn/năm). Thiếu thói quen đọc sách sẽ dẫn đến thiếu tinh thần tự học. Và đó là một nguy cơ lớn hơn nữa cho xã hội, nhất là trong thời đại hội nhập toàn cầu
Chương trình “Thư viện ước mơ - Dream Libraries”
Chương trình “Thư viện ước mơ - Dream Libraries” do doanh nhân Nguyễn Phi Vân và nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng khởi xướng nhằm xây dựng thói quen đọc sách, ươm mầm cho tinh thần tự học, hướng tới đối tượng trung tâm là trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, có độ tuổi từ 6 - 12. Sau 3 năm, từ một thư viện nhỏ đầu tiên ra đời năm 2015 tại Trường Tiểu học Trưng Vương, Đà Lạt, giờ đây với sự giúp sức từ cộng đồng đã có tất cả 7 thư viện.