[Emagazine] Ba Huân “mất giá” với 100 triệu USD?

Lê Liên - Đinh Thanh 06/03/2018 06:30

VinaCapital không định giá Ba Huân ở con số 200 triệu USD như tính toán trước đó, mà chỉ là 100 triệu USD.

Tập đoàn VinaCapital mới đây đã công bố đầu tư 32,5 triệu USD, tương đương hơn 740,5 tỷ đồng của quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư lớn nhất do VinaCapital quản lý, vào Công ty CP Ba Huân. Sau 12 tháng, VOF sẽ xem xét tăng thêm vốn đầu tư nếu doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận giữa đôi bên. Đồng thời VinaCapital cũng định giá Ba Huân ở con số 100 triệu USD.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sửa đổi ngày 13/2 của CTCP Ba Huân thì Quỹ Hawke Investment – thành viên của VOF nắm hơn 3,6 triệu cổ phần tương đương 16,39% cổ phần. Bà Ba Huân đang nắm 63,96% cổ phần của công ty.

Tuy nhiên, ngày 28/2 vừa qua, Ba Huân đã tiếp tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp với nội dung vốn điều lệ của công ty đã được điều chỉnh tăng từ 222,36 tỷ đồng lên mức 280,69 tỷ đồng.

Đồng thời với sự gia tăng về số vốn điều lệ này thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các bên liên quan trong công ty cũng thay đổi. Theo đó, cổ đông nước ngoài Hawke Investment Pte.Ltd nắm giữ đã tăng tỷ lệ nắm giữ lên mức 33,77% tương đương 9,48 triệu cổ phần. Phần vốn góp này do ông An.T.Ho đại diện.

Tuy nhiên, với sự thay đổi này, VinaCapital không định giá Ba Huân ở con số 200 triệu USD như tính toán trước đó, mà chỉ là 100 triệu USD, tức tương đương với Dabaco (DBC).

Về phía Ba Huân, toàn bộ vốn đầu tư sẽ được sử dụng để tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng công suất cho các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của công ty. Cụ thể, công ty sẽ tăng gấp đôi công suất các trang trại nuôi gà lấy thịt hiện tại và đầu tư xây mới một trang trại nuôi gà lấy trứng trên địa bàn tỉnh Long An.

Theo đó, các khu chăn nuôi và nhà máy phụ trợ, ví dụ như khu nuôi trại gà giống, nhà máy ấp nở trứng giống, nhà máy giết mổ gia cầm, nhà máy chế biến thực phẩm và nhà máy xử lý trứng cũng sẽ được tăng công suất nhằm cung ứng đủ con giống cho việc tăng công suất đầu vào, đồng thời xử lý hiệu quả khối lượng đầu ra lớn hơn nhiều lần so với hiện tại.

Đại diện quỹ này khẳng định, với các tư vấn chiến lược từ VinaCapital, công ty có đầy đủ tiềm năng để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới.

Nữ doanh nhân Phạm Thị Huân (sinh năm 1954 tại Long An), Giám đốc điều hành công ty này là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn, được mệnh danh là "nữ hoàng hột vịt" của miền Tây.

Tháng 10/2016, bà Ba Huân vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình quốc tế”, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - FAO trao tặng. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là một trong 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia để trao thưởng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 8 anh chị em ở Long An, chưa học hết tiểu học, bà phải theo mẹ ra chợ tập tành bán trứng. Đến 16 tuổi thì bà chính thức được mẹ tin tưởng giao cho nghiệp kinh doanh “gia truyền”.

Từ năm 1970, bà Ba Huân bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Năm 1982, bà Huân lập vựa trứng gia cầm khá lớn trên TP.HCM, lấy tên là Ba Huân.

Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp. Từ những quả trứng vài ba nghìn đồng nhưng biết cần kiệm chắt chiu mà bà Huân đã gây dựng cho mình cơ nghiệp bạc tỷ.

"Cuộc đời tôi gắn với con gà, con vịt và người nông dân. Làm sao hỗ trợ được nhiều nhất cho người nông dân, giúp họ thoát nghèo là giấc mơ của cả đời tôi". Đó là sau này khi bà Phạm Thị Huân nói về điều mình mong muốn nhất trong cuộc đời mình.

Bà Ba Huân đã giúp đỡ bà con chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng, đưa giống vịt mới có chất lượng cao hơn vào cho người nông dân chăn nuôi để năng suất cao hơn, giúp cuộc sống khấm khá hơn. Những năm gần đây, bà Ba Huân còn đưa giống vịt biển với sức đề kháng cao và chịu được mặn vào nuôi thương mại. Nhờ vậy, từ vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, gây thất thu với nông dân trồng lúa thì giờ đây, người nông dân có thể dựa vào con vịt chạy đồng để bù đắp những thiệt hại do năng suất lúa giảm hoặc không thể trồng lúa vì độ mặn cao. Không chỉ hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, người nông dân còn được bà Ba Huân bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định.

Cú sốc H5N1 trong 2 năm 2003-2004 khiến công ty Ba Huân thiệt hại tới 6 tỷ đồng. Người tiêu dùng quay lưng lại với quả trứng, công ty Ba Huân… gần như phá sản vì một thời gian dài không bán được trứng.

Khó khăn liên tiếp giúp bà Huân nhận ra mấu chốt nằm ở công nghệ, người ta có công nghệ xử lý, diệt khuẩn đối với trứng, còn mình thì chưa.

Cùng thời điểm này tập đoàn Moba của Hà Lan có gửi chào hàng máy diệt khuẩn cho trứng tới một vài doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Ba Huân. Sau khi tham quan các nước châu Âu, được nhìn tận mắt cách người ta diệt khuẩn cho vỏ trứng trong một dây chuyền hoàn toàn tự động, bà quyết định vay mượn 30 tỷ đồng để nhập dây chuyền xử lý trứng sạch từ Hà Lan về.

Quyết định này của bà Huân tuy liều lĩnh, bị mọi người trong gia đình phản đối nhưng đột phá này đã đưa ngành kinh doanh manh mún thành kinh doanh quy mô, góp phần ổn định sản xuất của hàng ngàn hộ chăn nuôi liên kết ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Với dây chuyền hiện đại này, trứng sẽ được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi để loại các trứng hư, nứt và phủ lên một lớp dầu, nhằm ngăn vi khuẩn từ bên ngoài tấn công vào.

Lúc này, trứng được chuyển đến khâu phân loại bằng cân định lượng trước khi in tên thương hiệu và đóng hộp.

Cách làm quy chuẩn và bài bản này đã giúp Ba Huân nhanh chóng lấy điểm trong mắt người tiêu dùng. Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động ổn định và phất lên dần dần.

Ban đầu, nhà xưởng và hệ thống máy móc được Công ty Ba Huân đặt tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Đến năm 2009, bà Huân quyết định nhập thêm hệ thống xử lý trứng thứ 2 có công suất đến 120.000 trứng/giờ. Số vốn đầu tư cho lần này cũng cao hơn gấp đôi, lên tới hơn 70 tỷ đồng.

Việc kinh doanh tiến triển đều đặn, bà Ba Huân muốn hoàn thiện chuỗi khép kín từ người nông dân đến khi ra thành phẩm nên đã đầu tư thêm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương trên diện tích 18 ha, vốn đầu tư lên tới 320 tỷ đồng.

Tiếp đó, bà đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An. Tháng 4/2017, nhà máy Ba Huân ở phía Bắc khánh thành với quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu mua một lượng không nhỏ trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận phục vụ chế biến. Điều này sẽ góp phần mở rộng đầu ra cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy chương trình sản xuất sạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thành lập năm 2001, Ba Huân hiện chiếm tới hơn 30% thị phần trứng tiệt trùng ở Việt Nam. Mỗi ngày, công ty này cung cấp 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Sản phẩm được phân phối tới hơn 2.000 đại lý và điểm bán hàng trên toàn quốc. Dự kiến, doanh thu đạt 90 triệu USD trong năm 2018.

Đến hết năm 2017, Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, trong đó vốn chủ sở hữu trên 300 tỉ đồng.

Sản phẩm trứng gia cầm Ba Huân hiện có mặt tại hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống ở TP HCM.

Công ty này hiện có 2 trang trại chăn nuôi gia cầm, gồm 1 trang trại chăn nuôi hơn 1,5 triệu con gà đẻ trứng thương phẩm và 1 trang trại chăn nuôi gà thịt với hơn 400 ngàn con. Các trang trại này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam (VietGap) và quốc tế (HACCP), được trang bị hệ thống cho ăn bán tự động, thông gió và sưởi ấm.

Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, Ba Huân sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến thịt, trứng và thực phẩm, cho phép kiểm soát chất lượng sản phẩm qua chuỗi giá trị đảm bảo độ tươi, sạch, an toàn.

Mỗi ngày Ba Huân cung cấp ra thị trường hơn 1,7 triệu quả trứng, 15 ngàn con gà và chế biến hơn 25 tấn thịt gia cầm tươi sống.

Sản phẩm của công ty được phân phối tại hơn 2.000 điểm bán trên cả nước qua các kênh tạp hóa, đại lý và siêu thị lớn nhỏ, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng của các tập đoàn fastfood đa quốc gia tại Việt Nam.

Kế hoạch năm 2018, công ty này sẽ mở thêm trang trại chăn nuôi, mở rộng nhà máy chế biến thực phẩm và hoàn tất thủ tục để xuất khẩu trứng mang thương hiệu Ba Huân sang một số thị trường ở châu Á.

Theo Poultry World, sản lượng tiêu thụ trứng gia cầm đang tăng mạnh ở Việt Nam, phổ biến là trứng gà và trứng vịt. Theo Ngân hàng DBS, lượng tiêu thụ thịt gà cũng đang tăng lên với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 8,6%, các nhà sản xuất địa phương đang phải tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu này. Đến năm 2021, dự kiến lượng tiêu thụ thịt gà bình quân đầu người sẽ tăng lên lên gần 17kg mỗi năm từ mức 8kg của năm 2015, do tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng với thu nhập khả dụng cao lên. Việc chăn nuôi gia cầm sẽ vẫn khó mở rộng quy mô bởi sự phát triển manh mún của các trang trại nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, thị trường trứng gà tưởng chừng như im ắng nhưng cuộc chạy đua ngầm về giá vẫn luôn khốc liệt. Các doanh nghiệp luôn nhìn nhau để lên xuống giá từng chút. Hiện có sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước như C.P, Ba Huân, Emivest, Dabaco, Vĩnh Thành Đạt... và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác.

Có thể kể đến Công ty Hòa Phát với tham vọng sẽ bán 300 triệu quả trứng vào năm 2018.

Còn Dabaco đã đầu tư 12 triệu USD cho Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Dabaco cùng hàng trăm tỉ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, thiết bị chăn nuôi hiện đại. Kết quả là, từ số lượng 150 triệu quả trứng/năm, đến nay, Dabaco đã cung cấp lên tới 300 triệu quả trứng/năm với hệ thống phân phối khá lớn.

Hay nhà máy sản xuất trứng gà của Công ty Cổ phần ĐTK với tổng đầu tư 800 tỉ đồng hướng đến mô hình 3F. Trong đó, ĐTK đầu tư mua con giống tại Tập đoàn Hy-line của Mỹ. Tập đoàn này hiện cung cấp cho hơn 130 nước, với thị phần gà giống chiếm 70% tại Mỹ, hơn 60% tại Trung Quốc với trên 50% tại 10 thị trường lớn nhất toàn cầu.

Có thể thấy, các đối thủ của Ba Huân đều có các thế mạnh riêng.Hòa Phát có nguồn vốn lớn và đầu tư bài bản, Dabaco vốn có uy tín và thị trường từ lâu, hệ thống phân phối lớn. Còn ĐTK lại có nguồn vốn mạnh và đầu tư bài bản. Cả 3 công ty, Hòa Phát, Dabaco, ĐTK đều đầu tư bài bản với mô hình 3F. Vì thế, dù có tiềm lực cung cấp 1 triệu quả trứng sạch mỗi ngày, đã thử nghiệm thị trường mới 4-5 năm nay, Ba Huân vẫn còn quá nhiều việc phải làm ở thị trường phía Bắc.

Lê Liên - Đinh Thanh