Những người “giữ lửa”

Lê Liên - Đinh Thanh 08/03/2018 10:22

Nam giới kinh doanh đã khó, phụ nữ kinh doanh còn gian nan, vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, với sự mạnh mẽ, bền bỉ, nữ doanh nhân đang ngày càng khẳng định vai trò “giữ lửa” không chỉ trong gia đình mà trong cả nền kinh tế đất nước. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, DĐDN xin điểm lại những gương mặt doanh nhân nữ đã trở thành “hiện tượng” của Việt Nam cùng thế hệ doanh nhân nữ tiếp nối… thay lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và sự tri ân sâu sắc tới những người phụ nữ nói chung, và giới doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng.

Bà là doanh nhân Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỉ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng, và là nữ tỷ phú đô la đầu tiên, duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á theo xếp hạng của Forbes. Năm 2017, CEO của Vietjet lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí danh tiếng kể trên.

48 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức vụ Phó chủ tịch kiêm CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Chủ tịch Sovico Holding, Chủ tịch hội đồng thành viên Hướng Dương Sunny và Phó chủ tịch HDBank. Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yếu của Vietjet Air sau khi hãng bay này lên sàn vào tháng 2/2017. Ngàu 5/1/2018, HDBank, một trong những mũi nhọn kinh doanh của nữ tỷ phú này cũng đã được niêm yết. Trong bài phỏng vấn đầu tiên sau thờ điểm được công nhận là tỷ phú USD, bà thẳng thắn bày tỏ rằng việc kinh doanh của mình không đơn giản là "động vào đâu cũng ra lợi nhuận".

Với Vietjet, sau 5 năm chuẩn bị, trải qua nhiều thử thách, dưới sự chèo lái của nữ tỷ phú đã đạt được sự thành công vượt bậc và những bước tiến thần kỳ.

Bà Thái Hương là người tiên phong trong cuộc cách mạng sữa tươi sạch, bà được mệnh danh là “người đàn bà sữa tươi” quyền lực của Việt Nam. Sau thành công của Dự án TH true MILK tại Nghệ An, sản phẩm của Tập đoàn TH nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong ngành công nghiệp sữa ở Việt Nam và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Sau những thành công đột phá này, Bà Thái Hương đã đưa ly sữa tươi sạch TH ra thế giới như một niềm tự hào và kiêu hãnh.

Bà và cộng sự đã quyết định sang Liên bang Nga ngay trong thời kỳ cấm vận để đầu tư tới 2,7 tỷ đô la trong 10 năm để trồng cỏ, nuôi bò sữa, xây dựng các nhà máy hiện đại sản xuất các sản phẩm từ sữa. Trung tuần tháng 9/2017, bà đã được trân trọng mời sang Vladivostok, Thủ phủ miền Viễn Đông xa xôi và vô cùng rộng lớn của Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông. Bà được diện kiến Tổng thống Nga Putin và được đánh giá là một doanh nhân tài ba tầm cỡ quốc tế. Tập đoàn TH đã có bước đi thần kỳ khi chỉ sau hơn 1 năm kể từ ngày đặt chân lên đất nước Nga, ngày 31/1/2018 vừa qua, tại quận Volokolamsk, tỉnh Moscow đã diễn ra Lễ Khánh thành trang trại bò sữa cao sản TH và dự kiến vào tháng 5/2018, dòng sữa tươi sạch TH đầu tiên sẽ ra mắt trên đất nước Nga xinh đẹp.

Hiện bà là nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vì tầm vóc Việt, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Bà Thái Hương liên tiếp được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016; Top 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 và Top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Bà từng chia sẻ rằng: “Tôi không muốn người ta gọi mình là người phụ nữ quyền lực. Tôi chỉ muốn là một người phụ nữ của gia đình, nhưng số mệnh buộc tôi phải trở thành một doanh nhân mạnh mẽ”.

Gắn bó với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) 42 năm, và có tới hơn 25 năm ở cương vị người đứng đầu, chính vì thế, khi nói đến Vinamilk không thể không nhắc tới bà Mai Kiều Liên.

Được đào tạo ở Nga về chuyên ngành sữa là lợi thế của bà Mai Kiều Liên khi là đầu tàu của thương hiệu sữa Việt Nam. Là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến, bà Liên đã đưa ra những quyết định kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010). Giai đoạn 2015-2020, bà đặt mục tiêu sẽ đưa Công ty lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, tới 90% ý tưởng sản phẩm mới của Vinamilk xuất phát từ bà Mai Kiều Liên. CEO Vinamilk cũng là tác giả khai sinh ra việc sản xuất theo phương pháp công nghiệp các mặt hàng: sữa chua, sữa bột cho trẻ em, sữa tươi tiệt trùng, sữa đậu nành, nước ép trái cây, phomai… của Vinamilk.

Sau khoảng chục năm buôn thúng bán bưng, năm 1982, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) quyết định lập vựa trứng ở TP HCM lấy tên Ba Huân.

Cùng tâm niệm "Cuộc đời tôi gắn với con gà, con vịt và người nông dân. Làm sao hỗ trợ được nhiều nhất cho người nông dân, giúp họ thoát nghèo là giấc mơ của cả đời tôi" bà Ba Huân đã giúp đỡ được nhiều bà con về vốn, con giống, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định giúp cuộc sống khấm khá hơn.

Bên cạnh đó, việc mạnh dạn đầu tư vào công nghệ đã giúp ổn định sản xuất của hàng ngàn hộ chăn nuôi liên kết ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bằng đột phá này Ba Huân đã đưa ngành kinh doanh manh mún thành kinh doanh quy mô.

Tháng 2/2017 bà Ba Huân được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và được mệnh danh là "nữ hoàng hột vịt".

Cùng với 4 đại diện đến từ 45 quốc gia, bà Ba Huân còn là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực châu Á- Thái Bình Dương trao tặng năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Nga là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương, đứng vị trí thứ 2 trong danh sách góp vốn của ngân hàng này và là viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp hoạt động trong ngành tài chính của mình.

Sau Ngân hàng Thái Bình Dương, bà Nga cũng tham gia vào Techcombank và sau này là SeABank.

Ngoài ngân hàng, bà Nga cùng gia đình tham gia sâu vào bất động sản, với các sân golf và khách sạn nghỉ dưỡng.

Chủ tịch tập đoàn BRG, cho biết bí quyết quản trị của bà là rõ ràng, công bằng; có động viên, và cũng có quyết liệt. Với cá nhân, bà luôn mang tâm thế của người đi thi, đã thi là phải đỗ và đỗ với điểm cao.

Khi nhỏ, bà được cha dặn: "Vay vơi thì phải trả đầy, vay gừng thì phải trả mật", có nghĩa là nếu ta vay một bơ gạo vơi thì phải trả bằng một bơ gạo đầy, nếu nhận một điều gì đó cay như gừng, thì không được đem gừng cay trả lại mà phải trả bằng mật. Đến nay, bà Nga vẫn nói với các con trai, con gái mình làm theo lời ông dạy, không được làm trái.

Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống ngành Đông dược.

Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn Hóa học nên đã đăng ký thi vào trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, bà được phân công về làm việc tại sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc bộ Giao thông Vận tải, đảm nhận vị trí cán bộ kỹ thuật Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt.

Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco từ tháng 5/2013 cho đến nay. Bà Thuận được coi là linh hồn, người tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay.

Nữ doanh nhân Vũ Thị Thuận từng chia sẻ, bà luôn nhắc nhở mình rằng: "Nếu chỉ lo cho nồi cơm nhà mình thì một người phụ nữ bình thường cũng làm được. Nhưng đã là một doanh nhân còn phải có trách nhiệm với nồi cơm của nhà người khác. Tôi luôn quyết tâm giữ cho nồi cơm nhà mình và nồi cơm của hàng nghìn cán bộ Traphaco luôn được đủ đầy, vẹn toàn".

Trần Uyên Phương sinh năm 1981, hiện đang nắm giữ cương vị Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát. Là một thiên kim tiểu thư nhưng Trần Uyên Phương ái nữ của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Pháp Trần Quý Thanh lại không quản sóng gió thương trường, luôn sát cánh cùng cha gây dựng đế chế riêng trên “mặt trận” đố uống Việt.

Xuất thân trong một gia đình nhà nòi kinh doanh, trách nhiệm của Uyên Phương đối với gia đình, với xã hội lớn hơn rất nhiều so với bạn cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, cô đã phải học cách tự lập, kỷ luật bên cạnh việc trau dồi tri thức. Ý thức được trách nhiệm của mình, cô đã không ngừng học tập, làm việc và cống hiến.

Chia sẻ về bí quyết để thành công, Uyên Phương cho rằng đó là niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm. Đối với cô, công việc là sự nghiệp, làm việc là thú vui, là một cách giải trí. Chính nhờ vậy, cô mới có thể xoay chuyển và tự cân bằng khối lượng công việc khổng lồ mà cô đang điều hành.

Trần Uyên Phương cũng quan niệm: “Đối với tôi, cuộc sống là để cống hiến và tạo nên giá trị cho những người khác”.

Đỗ Duy Hiếu là CEO của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Việt, đơn vị sở hữu gần 62% cổ phần của Công ty CP Thép Pomina (POM). Hiếu là con gái của nhà sáng lập Thép Việt Đỗ Duy Thái, một doanh nhân nổi tiếng nhất nhì ngành thép Việt Nam.

Làm việc tại Thép Việt từ năm 2008 và bắt đầu với vị trí là nhân viên Phòng Tài chính, sau đó là nhân viên Phòng Chăm sóc khách hàng...và tự đặt cho mình áp lực phải vượt qua, cô gái trẻ đã tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm và có được những bước tiến mạnh mẽ trong công ty.

Qua rèn luyện, Hiếu khẳng định: "Với tôi, không có áp lực phải kế thừa gia nghiệp. Ai là CEO không quan trọng, quan trọng là công ty phát triển thế nào. Nếu không có khả năng, trách nhiệm mà tôi và anh chị em phải gánh là đi tìm người có khả năng để điều hành cơ ngơi mà cả gia đình đã gây dựng".

Đứng sau "sếp ba", Hiếu hiện là người điều hành và quản lý những hoạt động của Thép Việt. Cô gái 8x này quan niệm, làm gì cũng phải làm hết mình, nỗ lực hết sức còn kết quả thế nào không quan trọng.

Ứng dụng điều này vào kinh doanh, Hiếu không chú trọng vào doanh thu mà quan tâm đến những đóng góp và hiệu quả mà công ty đạt được trong các hoạt động.

Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, cộng với khả năng trời phú, Ức My nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trên thương trường.

Tháng 7/2009, Đặng Huỳnh Ức My được mẹ trao chức vụ điều hành cao nhất tại Thành Thành Công khi 28 tuổi Ức My trở thành nữ tổng giám đốc.

Khi Thành Thành Công hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần chi phối của Bourbon Tây Ninh (SBT) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành mía đường, “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My trở thành người nắm quyền lực cao nhất tại SBT (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh).

Tại thời điểm đó, Đặng Huỳnh Ức My là “nữ tướng” trẻ nhất trên thị trường chứng khoán. Sức ảnh hưởng của Đặng Huỳnh Ức My không chỉ dừng lại ở Thành Thành Công Tây Ninh và Thành Thành Công.

Hiện tại, "công chúa mía đường" Ức My nắm giữ khối tài sản chứng khoán 641,30 tỷ đồng, là một trong những doanh nhân 8X giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Nữ đại gia 9X Nguyễn Ngọc Mỹ - Ngọc Mỹ Sylvia sinh năm 1991, là con gái út của ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch HĐQT Alphanam với bà Đỗ Thị Minh Anh – Phó Tổng giám đốc Alphanam. Cô từng có 8 năm du học nước ngoài, thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung và Hàn.

Mặc dù được sinh trưởng trong một gia đình giàu có, là “cành vàng, lá ngọc” nhưng 14 tuổi, Ngọc Mỹ Sylvia đã được bố mẹ gửi đi học trung học ở Mỹ và phải làm quen với cuộc sống tự lập, không có người thân ở bên giúp đỡ.

Ngay từ khi mới là sinh viên năm 2, với đam mê và hiểu biết của mình, Ngọc Mỹ đã thành lập công ty tư vấn kiến trúc nổi tiếng cùng với bà Nguyễn Hải Yến và ông Salvador Perez Arroyo - một kiến trúc sư trong top 10 thế giới với rất nhiều công trình được công nhận là kỳ quan.

Công ty của Ngọc Mỹ có tên là Sdesign với slogan “Yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Trong đó, chữ S biểu tượng cho tổ quốc, cũng là chữ cái đầu của Salvador và Sylvia - tên tiếng Anh của Ngọc Mỹ).

Bên cạnh việc tham gia vào các dự án bất động sản lớn của gia đình, cô gái sinh năm 1991 này cũng ấp ủ một dự án kinh doanh của riêng mình. Đó là dự án xây hệ thống trung tâm vui chơi - giải trí, ẩm thực, và các rạp chiếu phim phục vụ công nhân, học sinh-sinh viên tại các địa phương.

Ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc là con gái duy nhất của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm Tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà. Cô được kỳ vọng là thế hệ kế cận của Nam Cường để phát triển và củng cố sản nghiệp do cha mẹ mình dày công gây dựng.

Cô gái này mảnh mai, yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật và những hoạt động xã hội hơn là kinh doanh. Thế nhưng, hình ảnh người cha trong lúc bệnh nặng nhất vẫn đau đáu về những sản phẩm để đời của Nam Cường trong tương lai đã khiến Quỳnh Ngọc thay đổi.

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường tâm sự: “Bố tôi đam mê đến mức không dừng lại được. Ông như một ngọn đuốc tự đốt cháy mình trong công việc”.

Hiện, Trần Thị Quỳnh Ngọc nắm giữ 11,11% cổ phần của tập đoàn này, tương đương khoảng 500 tỷ đồng. Giàu có nhưng cô gái trẻ này là người khá kín tiếng. Trần Thị Quỳnh Ngọc ít xuất hiện trước công chúng, trừ một số dịp đặc biệt hay sự kiện của doanh nghiệp, nơi cô đang là Phó Chủ tịch HĐQT.

Lê Liên - Đinh Thanh