Vì sao "Sông Hồng" sa vào nợ nần?

Nguyễn Việt 15/04/2018 06:00

Sau cổ phần hoá, Tổng công ty Sông Hồng từ một thương hiệu xây lắp uy tín đã nhanh chóng sa vào “vũng lầy” thua lỗ, nợ nần.

abc

Tính đến ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của SHG là 455,9 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 185,9 tỷ đồng

Gần 1 năm sau án phạt vi phạm công bố thông tin, gần đây nhà đầu tư bắt đầu được tiếp cận báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG - sàn UPCoM). Cụ thể, kết thúc năm 2017, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 51,1 tỷ đồng.

Ngập chìm trong nợ nần

Tại ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của SHG là 455,9 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 185,9 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là 261,7 tỷ đồng. Các khoản nợ ngân hàng phần lớn đã quá hạn.

Đặc biệt, SHG chưa hoàn tất việc đối chiếu công nợ và giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh với các ngân hàng, đơn vị bảo lãnh có liên quan đến các khoản vay mà SHG bảo lãnh cho các thành viên gồm Công ty TNHH MTV Cơ giới và xây dựng Sông Hồng, Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương và Công ty cổ phần Thép Sông Hồng.

SHG cũng chưa trích lập dự phòng liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh trên. Nếu trích lập nghĩa vụ bảo lãnh với các công ty con, con số lỗ sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi lẽ, chỉ tính riêng khoản bảo lãnh với Công ty cổ phần Thép Sông Hồng, con số này đã là 261,8 tỷ đồng.

Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính vào giữa năm ngoái đã phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.

Liêu xiêu sau cổ phần hóa

Tổng công ty Sông Hồng là một trong những đơn vị thành viên đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi Công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là Tổng công ty Sông Hồng như hiện nay.

Cuối năm 2009, Tổng công ty Sông Hồng cổ phần hóa thành công, với kỳ vọng thương hiệu Sông Hồng sẽ ngày càng mạnh hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng ngập chìm trong "vũng lầy" thua lỗ, ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi nhẹ vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại, trong đó đáng chú ý hai năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng, cuốn bay vốn điều lệ của doanh nghiệp (270 tỷ đồng).

Tổng công ty Sông Hồng giải trình rằng, doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do công nợ kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính chung. Nhiều khoản vay bị xếp vào nợ xấu nhóm 5 dẫn đến không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, việc phát hành các loại bảo lãnh để thực hiện công trình cũng rất khó khăn. Do vậy, các dự án mà Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên nhận thầu thi công đa số đều chậm tiến độ, uy tín của Sông Hồng giảm sút nặng nề.

Tổng công ty Sông Hồng từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính – Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)…

Những tưởng dòng vốn tư nhân sẽ giúp Sông Hồng trở nên năng động, vững vàng hơn trước sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp xây lắp tư nhân, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Kể từ khi được cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Hồng “ngập” trong thua lỗ.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít DNNN đang rất đáng báo động. Việc nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn là do trước đây DNNN được nhiều ưu đãi, thậm chí độc quyền, nên khi thị trường mở hơn, các DNNN quản trị yếu kém, nên khó cạnh tranh.

“DNNN chịu sự quản lý hành chính, đặc biệt nhân sự quản lý tuyển chọn không theo nguyên tắc năng lực, mà bằng các tiêu chuẩn không còn phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Doanh nhìn nhận.

Nguyễn Việt