4.782,3 tỷ đồng của Petrolimex “bốc hơi” đi đâu?
Sau kiểm toán, Tổng tài sản của của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex mã chứng khoán PLX) giảm 4.781 tỷ đồng còn 61.770 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) công bố, tổng tài sản tính đến cuối năm 2017 của công ty mẹ sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế tăng 9,5 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 321,7 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tăng 9,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tại báo cáo hợp nhất, lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn này lại “bốc hơi” 72,1 tỷ đồng, tổng tài sản giảm 4.782,3 tỷ đồng (tương ứng giảm 7%) và vốn chủ sở hữu giảm 875,4 tỷ đồng (tương ứng giảm 4%). Đây là khoản mục chênh lệch lớn nhất giữa hai báo cáo tính theo giá trị tuyệt đối.
Chênh lệch “khủng”
Lý giải cho sự chênh lệch về tổng tài sản cuối kỳ trên báo cáo tài chính hợp nhất, ban lãnh đạo Petrolimex cho biết, nguyên nhân chính khiến tài sản giảm đột biến là do trình bày lại khoản đầu tư vào ba công ty con theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tập đoàn giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) xuống 40,95% sau khi doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Quyền biểu quyết tại Công ty cổ phần Xây lắp I và Xây lắp III cũng giảm xuống dưới 50% do tập đoàn rút người đại diện vốn khỏi Hội đồng quản trị. Điều chỉnh này kéo theo vốn chủ sở hữu cuối kỳ của tập đoàn giảm 875 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, xuống còn 23.383 tỷ.
Trong năm 2017, PJICO đã thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, Petrolimex đã giảm tỷ lệ sở hữu tại PJICO xuống còn 40,95% để thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm theo Nghị định 91 năm 2015 của Chính phủ.
Cũng trong năm 2017, quyền biểu quyết của Petrolimex tại hai công ty sở hữu 30% vốn cổ phần là Công ty Cổ phần Xây lắp I và Công ty Cổ phần Xây lắp III đã giảm xuống dưới 50% (do giảm số lượng người đại diện vốn trong Hội đồng quản trị).
Về kết quả kinh doanh sau kiểm toán, lãi hợp nhất của Petrolimex đã giảm mạnh 1.235,8 tỷ đồng (tương ứng 24%) so với năm 2016, còn 3.911,7 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết, giá dầu thế giới trong năm 2017 có xu hướng tăng liên tục dẫn đến tốc độ tăng giá vốn hàng bán cao hơn tốc độ tăng doanh thu khoảng 5%. Đồng thời, một số giai đoạn thuế suất nhập khẩu bình quân mặt hàng xăng trong giá cơ sở thấp hơn mức thuế suất thực tế nhập khẩu nên ảnh hưởng đến lãi gộp bán hàng của Petrolimex.
Cần gỡ lá chắn “ưu đãi và bảo hộ”
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh doanh khác như nhiên liệu bay, nhựa đường… lợi nhuận tuy đạt hoặc vượt tiến độ kế hoạch năm song có xu hướng chững lại do đã có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm trước hoặc giảm sút do không hội tụ được các yếu tố thuận lợi như so với cùng kỳ 2016.
Ngoài ra, lợi nhuận trong công ty liên doanh liên kết cũng giảm 24% so với cùng kỳ chủ yếu do một số công ty liên kết của Petrolimex (chiếm 85-90% lợi nhuận trong công ty liên doanh liên kết) trong kỳ phát sinh thuế TNDN phải nộp từ chênh lệch thuế suất ưu đãi của các năm trước nên lợi nhuận sau thuế giảm 28% so với cùng kỳ.
Trước tình trạng doanh nghiệp dầu khí than khó, nhiều chuyên gia cho rằng các đơn vị này vẫn là những “đứa trẻ mãi không lớn”. TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng nêu quan điểm, đã đến lúc các khu vực thị trường lâu nay chúng ta cho là nhạy cảm cần phải trở về đúng với với năng lực giá trị và sự vận động tất yếu của thị trường.
Cụ thể, phải giải quyết được hai vấn đề là cần phải được cạnh tranh hóa và thực hiện đúng lộ trình nguyên tắc khi chúng ta đã cam kết hội nhập.
Còn theo một chuyên gia giấu tên cho biết, doanh nghiệp xăng dầu nên nhìn nhận lại một cách khách quan là cần phải tăng giá trị năng lực của mình lên hơn việc nhờ nhà nước "kinh doanh hộ".
Vị này phân tích, khi doanh nghiệp đang được nuôi bằng một nguồn sữa ưu đãi, họ sẽ “mặc cảm” nếu bị cắt nguồn này. Ông cho rằng, hiện tại, không ít doanh nghiệp xăng dầu đang được bao bọc bởi hai lá chắn đó là “ưu đãi và bảo hộ”. Nếu “ưu đãi” là tạo cơ hội cho họ cạnh tranh thì "bảo hộ" là để giảm sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.
"Thời gian ưu đãi đủ lâu để họ có thể xây dựng năng lực nhưng có lẽ việc này vẫn dậm chân tại chỗ vì tâm lý ỷ lại. Còn đối với chính sách bảo hộ rõ ràng đã tạo nên gánh nặng cho người tiêu dùng vì bảo hộ luôn được đánh vào giá thị trường", vị này chia sẻ.