Đạm Hà Bắc: Lỗ "có kế hoạch"!
Lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là 2.331 tỷ đồng và dự kiến lỗ tiếp hơn 720 tỷ đồng trong năm 2018, chỉ tiêu hiếm hoi tăng trong năm qua của Đạm Hà Bắc là… nợ phải trả gần 9.300 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc – mã DHB), kiểm toán viên nhấn mạnh, tại thời điểm cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của DHB đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 476,7 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 2.331,1 tỷ đồng.
“Báo trước” sẽ lỗ 720,6 tỷ đồng trong năm 2018
Theo BCTC hợp nhất, trong năm 2017, DHB lỗ 606 tỷ đồng, giảm lỗ so với kế hoạch đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao 241 tỷ đồng. Con số lỗ này cũng đã giảm gần 42% so với mức lỗ hơn 1.051 tỷ đồng vào năm 2016, trong đó giãn khấu hao làm giảm lỗ được 407 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2017, tổng tài sản của DHB giảm hơn 200 tỷ đồng (chủ yếu là giảm tài sản dài hạn); vốn chủ sở hữu giảm 606,7 tỷ đồng (tương ứng giảm hơn 58%). Chỉ tiêu tăng lại là nợ phải trả, tăng 406,6 tỷ đồng (tăng 4,6%) lên 9.276 tỷ đồng.
Theo lý giải của Đạm Hà Bắc, kế hoạch năm 2017 lỗ do nguyên liệu chính cho sản xuất là than đã tăng tới gần 100% khiến cho chi phí đầu vào của công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với năm 2009.
Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá bán sản phẩm đầu ra của công ty cũng chịu áp lực lớn. Bởi các doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau lại sản xuất phân ure từ khí, trong khi giá khí từ năm 2015 giảm mạnh đến 50%.
Giá bán ure hiện ở mức thấp hơn giá thành, bình quân năm 2016 chỉ đạt 6.138 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế các doanh nghiệp này giảm giá bán để cạnh tranh, theo đó Đạm Hà Bắc cũng phải giảm giá bán sản phẩm, gây ra thua lỗ càng lớn hơn.
Đạm Hà Bắc là công ty con của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu 97,66%. Từng là “quả đấm thép” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên, Đạm Hà Bắc lại nằm trong danh sách 13 đại dự án yếu kém phải tái cơ cấu.
Dự kiến, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của DHB sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2018 tới. Và để giúp công ty duy trì, ổn định sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay tiến tới thoát lỗ, DBH đã đưa ra một loạt kiến nghị đến các cấp quản lý để tháo gỡ khó khăn. Nhưng có điều đáng chú ý, tại phiên họp này, ban lãnh đạo DHB sẽ trình thông qua kế hoạch lỗ 720,6 tỷ đồng trong năm nay.
Cụ thể, những kiến nghị của DHB bao gồm: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền. Mặt khác, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) giãn thời gian thanh toán tiền than và đảm bảo nguồn cung cấp than khi công ty gặp khó khăn về dòng tiền.
Doanh nghiệp này còn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa luật thuế 71 năm 2014 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%, sửa đổi cách tính thuế xuất khẩu đối với phân bón sản xuất từ than.
Ngoài ra, DHB đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các ngân hàng đồng tài trợ cho dự án xem xét cơ chế giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay cho công ty. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo TKV giảm giá bán than cho công ty trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hợp tác lâu dài.
Cần một thái độ dứt khoát
Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhà nước cần phải xử lý kiên quyết và có thái độ dứt khoát đối với các dự án thua lỗ ngàn tỷ trên, không thể tiếp tục chi thêm các khoản tiền đầu tư để cứu dự án.
Lấy trường hợp Đạm Hà Bắc gửi kiến nghị xin ưu đãi trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất khó khăn, thua lỗ, GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên quyền Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, những đề nghị trên không có cơ sở khoa học và trong điều kiện hiện tại của đất nước thì không thể chấp nhận những yêu cầu như vậy.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước đồng ý hỗ trợ sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và tiền lệ xấu với các doanh nghiệp khác. Nếu cứu và có ưu đãi thì hàng trăm doanh nghiệp khác sẽ nhao ra xin. Như vậy là không tốt cho nền kinh tế và quản lý nhà nước”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cho rằng không thể bắt người dân chịu mãi những dự án làm ăn thua lỗ của doanh nghiệp như Đạm Hà Bắc. Thay vào đó cần phải để phá sản theo đúng cơ chế thị trường.
“Quan điểm của tôi là phải dừng ngay dự án, cho phá sản doanh nghiệp, không thể kéo dài hoạt động. Càng làm càng thua lỗ và nhà nước sẽ bị thiệt hại, thất thoát tài sản”, ông Phong nói.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc nhà máy Đạm Hà Bắc thua lỗ là một nghịch lý cần phải được làm rõ và công khai trước dư luận xã hội.
Theo ông Đoàn, phân bón hiện nay đang là lĩnh vực hết sức nóng đối với nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Quy mô sản xuất được mở rộng nên nhu cầu ngày càng tăng cao. Vì vậy lẽ ra, nhà máy Đạm Hà Bắc phải rất thuận lợi khi tiến hành đầu tư, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên do vấn đề quản lý, dự báo, sử dụng công nghệ Trung Quốc nên các dự án đã không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Đối với những dự án thua lỗ nghìn tỷ này, ông Đoàn khẳng định cần phải tiến hành tái cấu trúc lại các hoạt động kinh tế. Đây là đòi hỏi sống còn không chỉ đối với Đạm Hà Bắc, mà còn với nhiều doanh nghiệp khác như gang thép Thái Nguyên hay lĩnh vực hóa dầu...