DAP – Vinachem “hồ hởi” báo lãi… kỹ thuật

Nguyễn Việt 28/04/2018 07:31

Tại thời điểm cuối quý I/2018, tổng tài sản của DAP - Vinachem đạt 1.953 tỷ đồng, giảm 4,7% so với thời điểm đầu năm.

DAP - Vinachem có lãi nhờ giảm được chi phí khấu hao.

DAP - Vinachem có lãi nhờ giảm được chi phí khấu hao.

Trong đó, tổng nợ phải trả là 915 tỷ đồng (99% là nợ phải trả ngắn hạn), chiếm 46,8% tổng tài sản. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nợ phải trả ngắn hạn là 2 khoản gồm: phải trả người bán (417,2 tỷ đồng, chiếm 45,6%) và khoản vay nợ (326 tỷ đồng, chiếm 35,7%). Lũy kế đến thời điểm 31/3/2018, LNST chưa phân phối của DAP - Vinachem âm 428,03 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty đã mất gần 1/3, chỉ còn 1.037,56 tỷ đồng.

Chỉ là lãi kỹ thuật

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I/2018 vừa công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP DAP - Vinachem đạt 574,3 tỷ đồng, tăng 8,61% so với cùng kỳ 2017. Có được kết quả này là nhờ giảm được chi phí khấu hao, lợi nhuận sau thuế (LNST) của doanh nghiệp đạt 15,81 tỷ đồng, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, đây chỉ là lãi kỹ thuật và chưa bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp này.

Kết quả kinh doanh của DAP - Vinachem 3 quý gần đây đã có sự cải thiện đáng kể, liên tục báo lãi. Biên lợi nhuận của DAP - Vinachem được cải thiện mạnh khi tăng từ 0,68% trong quý I/2017 lên tới 11,96% trong quý I/2018, giúp Công ty bù đắp được hầu hết chi phí hoạt động trong kỳ như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chi phí khấu hao hàng quý cũng góp phần không nhỏ cải thiện LNST của Công ty. Cụ thể, tại Công văn số 1001/BTC-TCDN ngày 15/9/2017 của Bộ Tài chính và Công văn số 1757/HVVN-TCKT của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về điều chỉnh mức khấu hao, mức khấu hao năm 2017 của Công ty được trích bằng 60% mức khấu hao phải trích năm 2017 theo đường thẳng. Như vậy, giá trị khấu hao năm 2017 là 93,24 tỷ đồng, thấp hơn 62,16 tỷ đồng so với con số 155,407 tỷ đồng.

Không nâng cao chất lượng sẽ phải trả giá đắt

Mức điều chỉnh khấu hao này dường như đang được áp dụng trong hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định đối với DAP - Vinachem. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy quý I/2018 Công ty chỉ thực hiện trích khấu hao 27,87 tỷ đồng, ít hơn 10,91 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Sự trợ giúp đắc lực này đã hỗ trợ cho DAP - Vinachem hoàn thành hơn 60% kế hoạch lợi nhuận (25,6 tỷ đồng) năm 2018.

Mặc dù đánh giá tình hình sản xuất của công ty đã tạm đi vào hoạt động ổn định, nhưng DAP - Vinachem vẫn “than gặp khó” và rất cần  sự hỗ trợ về chính sách để có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, lãnh đạo DAP –Vinachem đề nghị sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế VAT; đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tái cấp vốn lưu động và giảm lãi suất cho vay; có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để Công ty được phép kéo dài thời gian trả nợ thêm 24 tháng, tính từ tháng 9/2018; xem xét miễn thuế VAT đầu ra với thạch cao nhân tạo chế biến từ bã GYPS để giúp cho sản phẩm thạch cao nhân tạo có sức cạnh tranh tốt hơn với thạch cao tự nhiên nhập khẩu.

Bình luận về những đề xuất này, một chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón từng thẳng thắn, thay vì trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước hay dùng biện pháp “phi thị trường” để bán hàng, thì DAP – Vinachem nên tìm giải pháp nâng cao công nghệ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm. Nếu ỷ lại vào sự yểm trợ của nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá đắt.

Nguyễn Việt