Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý sai phạm tại Đạm Ninh Bình

Nguyễn Việt 29/04/2018 06:20

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi lên Chính phủ về xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế và vi phạm tại dự án Đạm Ninh Bình.

Bộ Công Thươngp/đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.

Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.

Thanh tra Chính phủ có văn bản ngày 23/1/2018 gửi Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả rà soát việc triển khai công tác thanh tra, kiểm toán và điều tra đối với 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương.

Tiếp tục xử lý sau thanh tra Đạm Ninh Bình

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với nội dung văn bản của Thanh tra Chính phủ, đồng thời giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm qua thanh tra.

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an hiện đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan và có văn bản ngày 8/11/2017 gửi Tập đoàn Hoá chất Việt Nam yêu cầu cung cấp toàn bộ tài liệu, chứng từ liên quan đến Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình.

Ngày 22/2/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản gửi Tập đoàn Hoá chất Việt Nam về việc cử Tổ khảo sát đến Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác kiểm toán để lập Kế hoạch Kiểm toán.

Từ những cơ sở nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan và đưa ra các biện pháp khắc phục tồn tại sai phạm của dự án.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện Dự án và giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Sau khi có kết quả xử lý của Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an, nếu còn những nội dung cần thiết phải xử lý, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ”, Thanh tra Chính phủ cho biết.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình như: Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam-Vinachem) phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Vinachem bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa chưa tuân thủ quy định. Chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với Hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán, Chủ đầu tư và Nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho Chủ đầu tư về trách nhiệm của Nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử. Đây là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được Hợp đồng EPC,...

Sai ngay từ đầu nên khó giải cứu?

Mặc dù đang nợ nần chồng chất, nhưng Đạm Ninh Bình lại muốn vay thêm 500 tỷ đồng để cứu nhà máy. Đây không phải là lần đầu tiên Đạm Ninh Bình kêu cứu và muốn vay vốn. Nhưng từ lâu, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn cho rằng dự án Đạm Ninh Bình đã sai ngay từ đầu nên khó lòng mà giải cứu được. Làm ăn cần phải tuân theo thị thường, lời ăn lỗ chịu, không thể cứ thua lỗ lại đề nghị giải cứu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng chia sẻ với báo chí rằng, không nên giải cứu nhà máy Đạm Ninh Bình mà hãy để cho nhà máy này phá sản. Nếu giải cứu, thì nhà nước giải cứu những doanh nghiệp tư nhân lớn, làm ăn đàng hoàng đang gặp khó khăn còn hơn giải cứu cho những DNNN làm ăn thiếu tính toán, gây lỗ lớn như thế này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm nên để Đạm Ninh Bình phá sản, bởi vì sản phẩm của nhà máy này không có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh hội nhập hiện nay lại càng không thể cạnh tranh được.

Cứ DNNN thua lỗ lại giải cứu chỉ vì họ làm ăn yếu kém, không có tính toán thì không ổn”, bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn, không nên tạo ra tiền lệ phải trả nợ cho các doanh nghiệp, dự án làm ăn thua lỗ. "Những người đã gây ra thất thoát cho dự án này phải có phương án trả nợ", ông Doanh khuyến nghị.

Nguyễn Việt