Vinatex: Nhùng nhằng tiền đất và nguy cơ mất vốn nhà nước
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc thực hiện đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 963.
Tại công văn nói trên, Bộ Tài chính yêu cầu Vinatex tổ chức thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra Vinatex đưa ra trước đó. Tuy nhiên Vinatex cho biết, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
"Nhùng nhằng" 507 tỷ đồng
Có thể bạn quan tâm |
Một trong các nội dung được đưa ra đó là việc xác định thời điểm hạch toán tăng vốn đầu tư từ nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất (hơn 507 tỷ đồng) được Bộ Tài chính cấp cho Vinatex và các đơn vị thực hiện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Hà Nội.
Theo Vinatex, 507 tỷ đồng nói trên là khoản tiền thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất do Công ty Dệt 8/3 và Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex), được Chính phủ cho phép Vinatex, 8/3 và Hanosimex dùng để xây dựng dự án trọng điểm và dự án nhà máy tại địa điểm mới khi thực hiện di dời.
Số tiền cũng đã được cấp phát cho các đơn vị để mở L/C nhập máy móc, thiết bị và xây dựng cơ bản, các dự án này đều trong đang trong quá trình đầu tư, chưa đưa vào sử dụng.
Do khác địa bàn nên phần lớn lao động đang làm việc xin nghỉ và phải tuyển dụng, đào tạo mới. Đồng thời phải thực hiện đầu tư nên Công ty cần thời gian khôi phục lại toàn bộ năng lực sản xuất, thị trường và khách hàng.
Hơn nữa theo Vinatex, nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất được cấp để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Vinatex là khoản đặc thù phục vụ cho việc di dời, được Thủ tướng cho phép để lại cho doanh nghiệp di dời nhằm đầu tư tái tạo cơ sở sản xuất mới nên khác với nguồn vốn cấp phát cho dự án đầu tư từ ngân sách.
Do vậy việc tăng vốn ngân sách nhà nước khi mới cấp phát từ Kho bạc để thực hiện dự án ngay sau khi dự án bắt đầu triển khai sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ di dời và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo Vinatex, tại thời điểm các đơn vị của Vinatex thực hiện di dời, chưa có quy định cụ thể về xác định thời điểm hạch toán tăng vốn đầu tư từ nguồn tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện di dời tại các công ty cổ phần.
Do vậy, Vinatex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho Vinatex và các đơn vị dời việc hạch toán tăng vốn nhà nước tại thời điểm công trình hoàn thành, cụ thể là thời điểm cuối năm 2017.
“Chôn vốn” và nguy cơ khó bảo toàn
Ngoài “nhùng nhằng” khoản tiền bán đất 507 tỷ đồng, hiện tại Vinatex còn đang bị “chôn vốn” tại 12 doanh nghiệp và có nguy cơ không bảo toàn được vốn nhà nước
Vinatex cho biết trong giai đoạn 2011 – 2017, tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn tại 26 đơn vị với tổng giá trị thu hồi đạt 1.257,9 tỷ đồng. Hiện, tập đoàn đang triển khai việc thoái vốn tại 12 đơn vị, gồm: Ngân hàng TMCP Nam Việt (nay là Ngân hàng Quốc Dân, phải thoái 6,9 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Hưng – Vinatex (phải thoái 500.000 cổ phần), Công ty Cổ phần TCE Vina Denim (phải thoái 3,2 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Đầu tư (phải thoái 61.000 cổ phần);
Công ty Cổ phần Đầu tư Vinatex Tân Tạo (phải thoái 2,7 triệu cổ phần), Quỹ Đầu tư Việt Nam (còn 0,7 tỷ đồng theo mệnh giá), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Thắng (phải thoái 576.500 cổ phần), Công ty TNHH Nguyên liệu DMVN (phải thoái 2,9 triệu cổ phần);
Công ty Cổ phần Dệt may Viễn thông Sài Gòn Vina (phải thoái 8,5 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Len Việt Nam (phải thoái 2,7 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Bông Việt Nam (phải thoái 2,75 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Dệt Vĩnh Phú (phải thoái 550.000 cổ phần).
Theo Vinatex, việc thoái vốn của Vinatex tại 12 đơn vị nêu trên đang gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Vinatex Tân Tạo và Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Bình Thắng, tập đoàn đã triển khai đấu giá nhưng không có nhà đầu tư đăng ký, do vậy không thể tổ chức đấu giá được.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Hưng, đơn vị này còn không hợp tác cung cấp thông tin để tập đoàn triển khai thoái vốn, do đó việc thoái vốn “khó có khả năng thực hiện”. Công ty Cổ phần TCE Vina Denim và Công ty Cổ phần Bông Việt Nam, tập đoàn còn phải chờ Bộ Công Thương phê duyệt giá khởi điểm.
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay việc thoái vốn của tập đoàn không thuộc đối tượng của Nghị định 91/2015 nên phải thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu theo các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan. Thế nhưng rắc rối là Công ty Tư vân Xây dựng và Dịch vụ Đầu tư lại có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, do vậy không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.
Đối với việc thoái vốn tại Công y Cổ phần Dệt Vĩnh Phú, tập đoàn phải hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng; tại Công ty Cổ phần Len Việt Nam, phải định giá lại theo yêu cầu của Bộ Công Thương; tại Công ty TNHH Nguyên liệu Dệt may Việt Nam, phải lựa chọn thời điểm thuận lợi để triển khai thoái vốn hoặc giải thể doanh nghiệp.
Còn tại Công ty Cổ phần Dệt may Viễn thông Sài Gòn Vina, do đây là doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả/hoạt động cầm chừng nên tập đoàn rất khó có thể thu thập đủ tài liệu, lập hồ sơ xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đấu giá công khai.
Đánh giá chung về việc thoái vốn hiện nay, Vinatex nhận định các khoản đầu tư phải thoái đều nằm tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nên khó tìm được nhà đầu tư quan tâm, nếu nhượng bán sẽ khó bảo toàn được vốn nhà nước hoặc không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá.
Bên cạnh đó, hiện nay Vinatex đã trở thành công ty cổ phần nên không thuộc đối tượng của Nghị định 91. Việc thoái vốn sẽ không được thực hiện theo các quy định của Quyết định 51 mà phải tuân theo các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan.
Tuy nhiên, đa phần các khoản đầu tư này lại không đủ điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng (do có lỗ phát sinh, vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, không làm báo cáo kiểm toán…). Như vậy, sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền nếu chào hàng cạnh tranh hoặc bán theo thỏa thuận.