Khởi nghiệp theo cách của Nguyễn Hữu Thái Hoà

Thanh Thanh 05/05/2018 08:56

Startup với iBosses Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa đang có trong tay cả "lý thuyết" lẫn kinh nghiệm khởi nghiệp sau khi làm việc ở các tập đoàn lớn...

Ông Hoà cho biết, "sau 2 năm ở VNPT và 5 năm ở FPT – tổng kết lại là một chuỗi gần 8 năm sống chết và chiến đấu với ngành CNTT - viễn thông (ICT) ở VN thì tôi có cái nhìn khá rõ về con đường phát triển ICT. Tôi phải khẳng định VN có thể phát triển nhanh nếu như biết dựa vào ICT- còn gọi là kỷ nguyên số (digital) thì VNPT, FPT và Viettel chắc chắn là một đòn bẩy lớn để bẩy lên cả nền kinh tế. Nhiệm vụ làm cầu nối về số của VNPT hay FPT vô cùng quan trọng".

- Công nghệ thông tin - viễn thông, một thị trường ông đã có kinh nghiệm làm việc ở các Tập đoàn lớn nhất, đã mang lại cho ông góc nhìn nào về  phát triển kinh tế số cho Việt Nam hiện nay?

Chuyên gia về khởi nghiệp Nguyễn Hữu Thái Hòa

Chuyên gia về khởi nghiệp Nguyễn Hữu Thái Hòa

Thành quả có được tôi khá vui dù sản phẩm dịch vụ chưa có ngay, nhưng sau hai năm làm việc cho VNPT thì về mặt tinh thần và tư duy của VNPT đã thay đổi rất nhiều, điển hình là kết quả kinh doanh cũng thay đổi. Kết thúc năm 2017, kết quả sản xuất kinh doanh của VNPT tăng trưởng hơn 27% ở tất cả các chỉ số về doanh thu và lợi nhuận, trong khi đó những đối thủ lớn như Viettel thì chững lại và năm 2017 chỉ tăng trưởng 1%. Số chung trên thị trường thì Viettel có thị phần rất lớn nhưng về kết quả tăng trưởng năm 2017 thì khá khiêm tốn. Và chính kết quả tăng trưởng năm 2017 lên đến 22% của VNPT đã minh chứng cho sự thay đổi tư duy rất lớn của tập đoàn sau một thời gian dài tăng trưởng âm.

Hi vọng rằng trong tương lai VNPT còn tăng trưởng nhanh và mạnh hơn nữa và tôi cũng mong tập đoàn sẽ phải có những con người phù hợp để đi tiếp các chiến lược đã đề ra. Ở đây tôi xin khẳng định phải là những con người trong các Tập đoàn nhà nước (SOE) hãy bỏ tư duy biên chế nhà nước. Người VNPT và những tập đoàn nhà nước diện 90, 91 cũng phải làm tốt công việc của mình tương tự như khối tư nhân, không thể dựa mãi trên đặt quyền ưu tiên và độc quyền trong một thế giới 4.0… Họ phải thực sự thay đổi để tăng hiệu quả, giảm lãng phí đồng thời làm vai trò xương sống trong nền kinh tế quốc gia.

- Và ông đã từ các tập đoàn đi ra, với một định hướng riêng khởi nghiệp cho bản thân? Hay ông vẫn đang làm cho một Tập đoàn nhất định, song song khởi nghiệp?

Sau một thời gian dài am hiểu rất rõ ngành công nghệ thông tin – viễn thông trong toàn cảnh bức tranh nền kinh tế Việt Nam thì hiện nay tôi nhận rất nhiều lời mời ở rất nhiều nơi, nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn và kể cả lời mời của những tập đoàn nước ngoài, cho nên tôi đang phải cân nhắc để lựa chọn.

Thứ nhất, bản thân cá nhân tôi đã khởi nghiệp với một hướng mới trong suốt hai năm qua, đầu tư khá nhiều công sức song song cùng lúc làm công tác chiến lược cho VNPT. Chúng tôi đã thành lập công ty iBOSSES VIETNAM sau khi mua lại bản quyền của Công ty iBosses Pte Ltd Singapore để thực hiện độc quyền chương trình iBosses Việt Nam. IBOSSES VIETNAM tập trung vào công tác  giảng dạy khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp. Trong năm 2018,  iBOSSES VIETNAM sẽ hợp tác với “Shark Tank” (Chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp), cùng lúc hợp tác với các vườn ươm và đặc biệt là đưa nó vào hai Bộ đang nhận được sự ủng hộ rất lớn, gồm Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Kỳ vọng iBOSSES VIETNAM - một khung khởi nghiệp rất bài bản, dựa trên kinh nghiệm của iBosses Coporation (một bệ phóng khởi nghiệp rất lớn và rất thành công ở Singapore) sẽ xây dựng bộ khung giáo trình khoa học sáng tạo về khởi nghiệp ở Bộ KHCN. Kỳ vọng thứ hai là trên cơ sở thực tiễn rất thành công của iBosses, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Startup được 40 quốc gia và 400 trường đại học trên thế giới công nhận cấp chứng chỉ. DN Startup khi tham gia khóa học và được cấp chứng chỉ của iBosses sẽ được hỗ trợ tài chính cho Startup theo từng ‘level’ (cấp độ) đạt được, từ giai đoạn ý tưởng cho đến khi sản phẩm được thương mại hóa và hỗ trợ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

- Thay đổi khi đã ở tuổi không còn trẻ và có những thành tựu nhất định, điều đó có quá khó khăn, thưa ông?

Khi tìm hiểu các dự án khởi nghiệp ở Singapore tôi rất ngạc nhiên về tư duy khởi nghiệp không giới hạn tuổi. iBosses Singapore có những gói “iBosses Junior” – bắt đầu khởi nghiệp từ lớp 3 cho đến lớp 12. Họ quan niệm tuổi sáng tạo lớn nhất là giai đoạn trung học phổ thông  (THPT) chứ không phải lên đến đại học. Còn chúng ta thì chỉ chú trọng sinh viên (SV) mà bỏ quên lứa tuổi THPT. Sau một thời gian dài làm giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp tôi nhận thấy cái yếu hiện nay của sinh viên VN khi khởi nghiệp: thứ nhất là rất lười; thứ hai là không có tiền để đi học bài bản, chuyên nghiệp và cũng không có tiền đầu tư vào các dự án…

Rất nhiều dự án iBosses Việt Nam sẽ dịch chuyển độ tuổi. Sẽ có gói “iBosses Golden” cho những người lớn tuổi. Khởi nghiệp iBosses mà Singapore đã xây dựng đã cho chúng tôi những bài học kinh nghiệm rất hay, đó là những người thành đạt sau khi về hưu – khoảng 60 tuổi có lượng tiền và lượng tri thức nhất định họ vẫn nuôi hoài bão làm một công ty riêng do họ làm chủ tịch nhưng không còn nhiều sức khỏe nên sẽ thuê những iBosses trẻ của Việt Nam làm thuê cho họ. Họ đặt đầu bài cho các iBosses trẻ làm như một hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, IBosses VN sẽ có gói “iBosses part-time” (iBosses bán thời gian) cho một ông chủ ở nước phát triển như Mỹ, Singapore kết nối với các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam do các bạn trẻ thực hiện...

Qua đây cho thấy cảm hứng khởi nghiệp không bao giờ cạn. Và khởi nghiệp như là ánh sáng cuối đường hầm để tạo ra nguồn năng lượng mới, kích cầu mới cho công cuộc cải cách và đổi mới ở Việt Nam. Nhưng gia tài để phát triển đất nước phải nằm trong tay người trẻ, một lực lượng hành động với tinh thần khởi nghiệp thì có thể sẽ làm được rất nhiều điều.

- Như vậy là iBosses Việt Nam đã đi vào "guồng", ông có định mở mang thêm hay có lựa chọn tiếp theo cho mình?

Hướng thứ hai là tôi đang nghiên cứu để quyết định tham gia vào một vị trí cao cấp trong ngành tài chính chứng khoán hàng đầu ở Việt Nam. Như chúng ta biết là ở Việt Nam hiện nay các “cục máu đông” lớn nhất nằm ở các “bong bóng” ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và những chuyên gia hàng đầu cần tập trung tri thức và sự kết nối với các chuyên gia nước ngoài để tìm ra các giải pháp thông minh cho Việt Nam. Nếu chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối và thành công thì sẽ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam. Phần công việc này nằm ở một Tập đoàn chứng khoán đang đầy tham vọng sẽ khơi dòng chảy tài chính Việt Nam một cách chính trực và chuyên nghiệp tầm quốc tế.

Hiện nay dòng chảy tài chính thế giới đang xoay xung quanh Việt Nam rất lớn, trong khi chúng ta đang đứng ở vị trí trung tâm châu Á chiếm hơn 40% dòng tiền toàn cầu, từ trung tâm tài chính IFC Hồng Kong với các nhà đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp Việt Nam, đến giao thương với các Tập đoàn đa quốc gia như Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… là các mô hình hoạt động tài chính rất thành công. Do đó  để hút được dòng tiền lớn của quốc tế đi vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Vấn đề đặt ra là cách hành xử của chúng ta không chỉ ở tầng vĩ mô nhà nước mà còn là sự chuyên nghiệp của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước khi làm ăn về tài chính ở Việt Nam có đủ tạo niềm tin, đủ tạo mô hình đối ứng nội lực từ nội địa để chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể đối ứng với quốc tế trong những cuộc chơi lớn về tài chính này. Hiện nay, xin cho tôi chưa vội nói ra tên Tập đoàn tài chính mà tôi sẽ tham gia vào ban lãnh đạo. Nhưng nếu tôi có cơ hội tạo ra nhiều thay đổi cho chiến lược dòng tiền cũng như đem tư duy về tài chính quốc tế và những chuẩn mực toàn cầu về Việt Nam, để mang lại dòng đầu tư cho quê hương hiện nay và trong tương lai thì cũng là một đóng góp đáng kể.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thanh Thanh