“Lợi nhuận không phải là tất cả”
Đó là quan điểm của doanh nhân Vũ Văn Trường - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc.
Doanh nhân Vũ Văn Trường chia sẻ, trong kinh doanh thì lợi nhuận là yếu tố quan trọng, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả, lợi nhuận luôn xếp sau những giá trị vật chất và tinh thần mà chính nó mang lại.
- Khi bước vào con đường trở thành doanh nhân, điều đầu tiên ông nghĩ tới là gì?
Đơn giản thôi, nước ta nghèo quá. Mọi người dân ai cũng muốn đất nước cường thịnh. Mà tôi thì vốn lại là người lính, hay sốt ruột, lúc đó tôi cứ nghĩ, để nướcmình giàu mạnh thật nhanh thì chỉ có con đường mở mang kinh doanh, làm doanh nghiệp. Tôi rất muốn mang tinh thần người lính vào môi trường hoạt động kinh tế. Thực tế, hầu hết các doanh nhân lớn của nước Nhật trước đây đều xuất thân từ những chiến binh “võ sĩ đạo” (samurai). Họ mang tinh thần chiến binh vào kinh doanh, khi can đảm, mạnh mẽ, lúc dẻo dai, nhẫn nại. Ở nước ta cũng vậy, đâu phải chỉ có mình tôi, rất nhiều doanh nhân thành đạt đã xuất thân từ những người lính.
- Vậy tinh thần của người lính đã được ông đưa vào doanh nghiệp, trở thành kim chỉ nam trong hoạt động của mình?
Trong những năm qua tôi có một số thành công nhưng cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều vấp váp và đôi khi cả sự mỏi mệt, chán nản nữa. Tuy nhiên tôi thích cái cảm giác tuyệt vời khi mình vượt qua được khó khăn. Đấy là cảm giác mà môi trường quân đội đã tạo nên cho tôi.
Là một người lính, được rèn luyện trong môi trường quân đội nhưng bản thân tôi lại không thích câu nói mà nhiều người hay dùng rằng: “Thương trường là chiến trường”. Thương trường khác với chiến trường về bản chất. Thương trường có thể là quyết liệt nhưng nó cần nhiều đến sự hòa hợp, sự hợp tác để cùng nhau phát triển, cùng nhau xây dựng, nó có sự cạnh tranh gay gắt nhưng không hướng tới sự loại bỏ nhau…
- Ông có thể bật mí về bí quyết thành công của ông và doanh nghiệp?
Thiên Lộc chưa là một công ty lớn tới mức có thể đem kinh nghiệm của mình chia sẻ cho người khác. Tuy nhiên, nó cũng có đầy những sự ngọt bùi, cay đắng, đủ là bài học để chính mình chiêm nghiệm mà vững vàng hơn. Chúng ta thường quen đánh giá các doanh nghiệp với sự tiệc tùng, vui vẻ, tung hô, quảng bá hình ảnh, tổ chức tổng kết, báo cáo thành tích rầm rộ. Đây là một công việc quản lý tất yếu. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đằng sau những sự kiện trên là cả một chuỗi những công việc bề bộn hàng ngày, hết sức cực nhọc, những sự rủi ro và cả những tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Đó chính là kinh doanh.
Tôi có nhớ về một trong những người giàu nhất thế giới trước đây là tỷ phú Onassis. Trong hồi ký của mình, khi trả lời phỏng vấn về bí quyết làm giàu, Onassis đã khẳng định rằng, sở dĩ ông có thể trở nên giàu có là vì “mình bao giờ cũng ở trong tình trạng sẵn sàng cháy túi, tình trạng có thể mất tất cả”. Tôi không hoàn toàn tán thành với câu nói có đôi chút phóng đại của tỷ phú Onassis. Nhưng sự khẳng định của ông về tính chất quyết liệt, sự mạo hiểm, cộng thêm với những rủi ro trong cuộc sống của người làm kinh doanh là rất chính xác. Điều này cũng khiến cho không ít doanh nhân đã ví môi trường kinh doanh cũng giống như sự được thua của một “canh bạc”.
Tôi không tán thành với quan điểm “kinh doanh là canh bạc” nêu trên. Kinh doanh có thể gặp sự may mắn hoặc rủi ro, nhưng nó hoàn toàn trái ngược với việc đánh bạc. Ở đây sự thành công hay thất bại đều gắn liền với hiệu quả của những tính toán chặt chẽ và khoa học. Nó không trông chờ thụ động vào sự may rủi.
- Theo ông, để thành công, điều quan trọng hàng đầu trong kinh doanh của doanh nghiệp là gì?
Sự thành công của một doanh nghiệp tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các yếu tố này đan xen vào nhau rất phức tạp, nhưng tổng hợp lại thì vẫn như sách vở nói thôi: phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuy nhiên bao trùm lên tất cả là tri thức và đạo lý.
Tôi nhớ Hoàng đế Minh Trị, người khai sáng ra nước Nhật hiện đại có một vị cố vấn rất giỏi tên là Shibusawa. Tương truyền ông này có viết một cuốn sách nhan đề “Luận ngữ và chiếc bàn tính” mà sau này nhiều người xem đó như là kim chỉ nam cho những định hướng hiện đại hóa của Nhật. Tại sao lại là “Luận ngữ và chiếc bàn tính”?. Shibusawa giải thích rằng, để kinh doanh thành công thì phải tuân thủ hai nguyên tắc, thứ nhất là phải học thuộc những chuẩn mực đạo đức cơ bản được biên soạn trong cuốn sách kinh điển là “luận ngữ”. Thứ hai là phải biết tính toán thật giỏi, phải có tri thức kinh doanh, nói một cách hình ảnh là phải sử dụng thành thạo “chiếc bàn tính”. Đây chính là điều mà tôi luôn tâm niệm và nhắc nhở mình. Cần phải làm việc, làm việc không ngừng, thông qua đó mà học tập và giữ gìn đạo lý trong kinh doanh.
- Nếu bị đặt vào tình huống bắt buộc phải lựa chọn giữa hiệu quả của kinh doanh với việc giữ gìn đạo đức trong kinh doanh, ông sẽ làm gì?
Nếu bị đặt vào tình huống bắt buộc phải lựa chọn giữa hiệu quả của kinh doanh với việc giữ gìn đạo đức kinh doanh, thì với bản thân tôi và công ty Thiên Lộc, chúng tôi sẽ lựa chọn lùi một bước, chịu sự thiệt thòi để làm sao giữ được đạo lý. Chẳng hạn, khi mở một con đường đi qua khu dân cư, vốn là nơi sinh kế của nhiều hộ nghèo. Nếu đi qua được thì có nhiều lợi thế cho kinh doanh, nhưng có thể gây khó khăn cho nhiều hộ nghèo. Khi đó, hãy xuống với dân, nhìn vào mắt họ, lắng nghe họ nói, anh sẽ tìm được cách thức tốt nhất, có đạo lý nhất để xử lý vấn đề.
- Vậy theo ông thì điều gì tạo nên bản chất của “văn hóa kinh doanh”?
“Văn hóa kinh doanh” là một khái niệm rất sách vở. Tôi có đọc một bài nghiên cứu về “văn hóa kinh doanh” trên tạp chí “Triết học”. Thú thực là đọc xong thấy nó “cao siêu” quá, vô số các thuật ngữ phải học thuộc, nào là chủ thể, khách thể, cơ cấu của văn hóa kinh doanh, nào là nội dung, phương thức chỉ đạo thực hành...Thật khó mà nhớ được chứ chưa nói gì đến việc làm theo. Tôi thì thường nghĩ một cách đơn giản, “văn hóa kinh doanh” tức là kinh doanh một cách có văn hóa, kinh doanh có tính toán hợp lý, khoa học để đạt hiệu quả cao nhất, đem cái hiệu quả ấy nâng cao đời sống cho người lao động, đóng góp cho cộng đồng xã hội và đất nước. Hãy là một doanh nghiệp, một doanh nhân có tri thức và đạo đức, lấy tri thức và đạo đức làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình, khi đó anh sẽ biết ứng xử với môi trường kinh doanh một cách có văn hóa. Trong kinh doanh thì lợi nhuận là yếu tố quan trọng, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả, lợi nhuận luôn xếp sau những giá trị vật chất và tinh thần mà chính nó mang lại. Cũng giống như tiền bạc vậy, nó cần cho cuộc sống nhưng không phải là tất cả cuộc sống. Tiền bạc mang lại những điều kiện tốt cho cuộc sống, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ tiền bạc thôi là không đủ, bởi chưa chắc nó đã mang lại hạnh phúc.
- Những đóng góp cho các hoạt động văn hóa, xã hội, cho những vùng nghèo của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí tạo nên văn hóa kinh doanh của Công ty, thưa ông?
Trong cuộc sống có những kẻ đứng bên giếng nước đầy ắp nhưng vẫn cảm thấy mình khô khát và chẳng muốn cho đi một giọt nước nào. Nhưng cũng có những người có không nhiều nhưng vẫn muốn cho đi. Trong li của họ chỉ có một vài giọt nước nhưng vẫn sẵn sàng chia nó cho những người đang khát. Đó là bởi vì những người này, tin vào cuộc đời, tin vào sự dư dật và phóng khoáng của cuộc đời. Với họ niềm vui được trao tặng cùng với thái độ vui vẻ, hoan hỉ của người nhận là phần thưởng vô giá cho họ. Với Công ty Thiên Lộc cũng như với bản thân tôi cũng vậy. Chính những đóng góp, mặc dù còn nhỏ bé cho xã hội, cho những vùng sâu vùng xa của Công ty đã tạo thêm động lực để chúng tôi phấn đấu, làm tốt hơn công việc kinh doanh của mình. Đó cũng chính là tiêu chí mà chúng tôi vươn tới.
- Xin cám ơn ông!