ACV mắc nhiều lỗi trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản

Nguyễn Việt 15/05/2018 06:17

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) nộp ngân sách Nhà nước các khoản xác định tăng thêm là 1.753 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các sai phạmtrong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Từ ngày 04/04 đến 02/06/2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) và chỉ ra một số những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Tổng Công ty.

Kiểm toán chỉ ra nhiều sai sót

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc trích khấu hao tài sản khi chuyển sang công ty cổ phần theo thời gian tối thiểu tuy phù hợp với khung thời gian quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, song điều này đã làm giảm lợi nhuận giai đoạn công ty nhà nước, giảm giá trị tài sản cố định bàn giao cho công ty cổ phần với số tiền lớn.

Chỉ tính trên các tài sản có nguyên giá từ 10 tỷ đồng trở lên, chênh lệch mức khấu hao đơn vị đã trích cao hơn so với mức trích khấu hao theo thời gian tối đa là 1.329 tỷ đồng, so với mức khấu hao theo thời gian trung bình là 872 tỷ đồng.

Việc phân loại tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước và tài sản tại Công ty mẹ chưa phù hợp, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh giảm giá trị tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước số tiền hơn 110 tỷ đồng. Xác định loại tài sản đối với hệ thống cung cấp nhiên liệu cho máy bay thuộc dự án Nhà ga hành khách T2 Nội Bài cũng chưa phù hợp, dẫn đến áp dụng khung thời gian khấu hao chưa phù hợp. Sau khi Kiểm toán Nhà nước xác định lại đã giảm số khấu hao 274 tỷ đồng so với đơn vị đã trích từ khi sử dụng.

Công ty mẹ chưa thực hiện nộp 759 tỷ đồng các khoản thu từ cổ phần hóa Công ty mẹ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh việc phân loại giữa tài sản giao Công ty mẹ và tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước, điều chỉnh tăng lợi nhuận giai đoạn công ty nhà nước dẫn đến số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tăng thêm 165 tỷ đồng.

Đến thời điểm kết thúc kiểm toán 2/6/2017, do chưa có cơ chế quản lý, khai thác tài sản thuộc khu bay nên Công ty mẹ tiếp tục quản lý, khai thác cho hoạt động phục vụ ngành hàng không.

Theo Báo cáo tài chính của Công ty mẹ cho niên độ từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/12/2016 được lập vào ngày 6/6/2017, doanh thu và chi phí liên quan đến hoạt động tại khu bay được tách riêng và chênh lệch doanh thu lớn hơn chi phí của khu bay là 600 tỷ đồng, hiện đơn vị đang quản lý nguồn thu này.

Từ nội dung trên, KTNN kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khi tổ chức quyết toán tài chính, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần của Công ty mẹ, cần xem xét lại việc ghi nhận nguyên giá tài sản cố định hữu hình 632 tỷ đồng và trích khấu hao đền bù giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Nội Bài không đúng quy định; xác định thời gian phân bổ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Cảng HKQT Phú Quốc theo quy định.

Việc xem xét, xử lý các vấn đề này nhằm ghi nhận đúng loại tài sản, xác định đúng chi phí được tính vào chi phí kinh doanh đến ngày 31/03/2016, chi phí còn lại bàn giao cho Nhà nước khi bàn giao tài sản khu bay, xác định đúng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét để có ý kiến xử lý trường hợp trích khấu hao đối với tài sản tăng thêm trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến giai đoạn chuyển sang công ty cổ phần tại Tổng Công ty; đồng thời xem xét, ban hành quy định về trích khấu hao tài sản cố định hình thành trong giai đoạn này để đảm bảo lợi ích của Nhà nước khi cổ phần hóa.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, Công ty mẹ chưa thực hiện nộp 759 tỷ đồng các khoản thu từ cổ phần hóa Công ty mẹ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Qua kiểm toán, KTNN điều chỉnh việc phân loại giữa tài sản giao Công ty mẹ và tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước, điều chỉnh tăng lợi nhuận giai đoạn công ty nhà nước dẫn đến tăng thêm số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 165 tỷ đồng (Công ty mẹ).

Trong đó, các khoản tăng thu cụ thể gồm: Thuế giá trị gia tăng 805 triệu đồng; Thuế Thu nhập doanh nghiệp 95,1 tỷ đồng; tiền thuê đất 5,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau phân phối 128 tỷ đồng; tiền chênh lệch thu - chi của hoạt động khu bay 600 tỷ đồng; đồng thời, nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 923,8 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc

Trước đó, theo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu ACV được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 5/1, ACV còn tồn tại nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn tại ACV và các đơn vị thành viên.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, ACV đã sử dụng nguồn vốn trích trước sửa chữa lớn để đầu tư xây mới Dự án dự án đường lăn E6 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với giá trị là 297.253 triệu đồng. Do ACV sử dụng sai nguồn vốn để đầu tư nên phần chi phí sửa chữa lớn trích trước nêu trên không được tính là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, ACV phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 62.674 triệu đồng. Đồng thời, giá trị các tài sản của Nhà nước được loại ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa không đúng nên trách nhiệm thuộc về ACV.

Đến thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Cảng vụ hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao đất với diện tích 2.888,27 ha/2.888,27 ha đất (100%). ACV cũng chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 197,30 ha/197,30 ha đất (100%), dẫn đến ACV thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước với số tiền 330.806 triệu đồng.

Trong quá trình thanh tra việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, Thanh tra Chính phủ phát hiện ACV ghi tăng giá trị tài sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định, thiếu hóa đơn, chứng từ thực hiện trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định với số tiền là 70.413 triệu đồng. Do đó, ACV phải bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp trên 15.529 triệu đồng.

Từ năm 2007 đến tháng 12/2014, ACV đã thực hiện trích trước và trích vượt tiền thuê đất đối với các diện tích phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, nhưng không nộp tiền thuê đất, không hoàn nhập kịp thời phần chênh lệch giữa số trích vượt và số tiền thuê đất thực phải nộp làm tăng chi phí sản xuất không đúng, dẫn đến phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước với số tiền là 309.019 triệu đồng, trích Quỹ Đầu tư phát triển để lại ACV 132.436 triệu đồng.

Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn, kết quả thanh tra cũng chỉ rõ: Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ACV cũng làm trái quy định với giá trị lên tới hơn 903 tỷ đồng, cần phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư một số dự án, chủ đầu tư (ACV), nhà thầu tư vấn ADCC, nhà thầu xây lắp ACC đã không lập, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế. Chưa đánh giá đầy đủ sự phù hợp giữa hồ sơ thiết kế với nhiệm vụ thiết kế và thiết kế cơ sở. Bổ sung hạng mục công trình chưa đúng trình tự thủ tục.

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý ACV số tiền là 3.652.479,9 triệu đồng và 7,225,1 ha đất; kiến nghị đối với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo và thực hiện việc xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, tập thể và tổ chức có liên quan đến sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, đầu tư xây dựng.

Nguyễn Việt