Nhiều “ông lớn” quên nộp báo cáo tài chính
Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty sản xuất mì Miliket, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Công ty xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn… “quên” nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017. Tổng cộng có có 32 tổ chức chưa công bố quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Trong đó có nhiều cái tên khá quen thuộc như: Rượu Hapro, Sông Đà 3, Colusa – Miliket, Hancorp, Cao su Hà Nội, Viglacera Hà Nội, Viwaseen…
32 tổ chức chưa công bố
Doanh nghiệp tiếp tục chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định, HNX sẽ xem xét áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch tối đa 5 phiên. Theo quy định, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
Trường hợp không thể hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính năm trong thời hạn, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ xem xét gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 100 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trong danh sách này, có những doanh nghiệp lớn như CTCP Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (CMN). Sản phẩm mì gói Miliket là thương hiệu lâu đời tại thị trường VN với hình ảnh hai con tôm của hãng mì Colusa, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa - Miliket.
Hay Công ty cổ phần BETON6 (BT6) là doanh nghiệp ra đời từ 1958, chuyên xây dựng các cây cầu lớn trên quốc lộ ở phía Nam. Hay Seaprodex có trụ sở tại đường Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM tiền thân là doanh nghiệp nhà nước với tên gọi là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP.HCM là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản.
Nhưng từ năm 2011, công ty mở rộng hoạt động đa ngành sang các mặt hàng nông sản, hàng hóa sắt thép, vật tư khiến hoạt động kinh doanh bị thua lỗ trong hai năm 2012 - 2013 và hiện chủ lực kinh doanh bất động sản…
Cần mạnh tay với doanh nghiệp thường xuyên sai phạm
Có thể thấy, các sai lệch giữa BCTC trước và sau soát xét của doanh nghiệp thường là những số liệu liên quan đến các ước tính kế toán như trích lập dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho, hay ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ… Tuy nhiên, ngoài lý do về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bộ phận kế toán, thì ý thức minh bạch của doanh nghiệp chính là vấn đề đáng bàn.
Hiện nay, doanh nghiệp niêm yết tự lập báo cáo tài chính hàng quý, chỉ có báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo năm mới phải thực hiện kiểm toán. Do đó, các số liệu “vênh nhau” thể hiện sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp có thể trục lợi khi giấu các thông tin bất lợi nhằm giữ giá cổ phiếu…
Báo cáo tài chính có những chuẩn mực kế toán riêng và đã được quy định. Vì vậy, một khi số liệu về hiệu quả hoạt động còn “nhảy múa”, nhất là giảm nhiều hơn tăng, thì nhà đầu tư không chỉ "đau tim", mà còn mất vốn theo đà rơi của giá cổ phiếu.
Để thông tin đến với nhà đầu tư được rõ ràng, chính xác hơn, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhà quản lý cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm để đảm bảo tính răn đe, giúp thị trường chứng khoán ngày một minh bạch hơn.