Bước đi chệch choạc của Thế giới di động
Chuỗi Thế Giới Di Động đã đóng cửa 7 cửa hàng kể từ đầu năm, lần đầu tiên sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục.
Công ty cổ phần Thế giới Di Động (mã CK: MWG) vừa công bố báo cáo hoạt động 4 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng cao về cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng Thế Giới Di Động tiếp tục sụt giảm.
Đóng 7 cửa hàng trong 4 tháng
Theo báo cáo này, quy mô chuỗi đến cuối tháng 4 còn 1.065 cửa hàng, giảm 6 cửa hàng so với cuối tháng 1. Tính chung 4 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đã đóng cửa 7 cửa hàng, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tiếp mở rộng quy mô.
Từ năm 2017 trở về trước, số lượng các cửa hàng Thế Giới Di Động mỗi tháng chỉ có tăng lên, thậm chí có những thời điểm mỗi ngày chuỗi này mở tới 2 cửa hàng.
Việc đóng bớt cửa hàng khiến doanh thu mảng này xuống còn 2.883 tỷ đồng, chỉ tăng không tới 5% so với cùng kỳ năm trước. Những tín hiệu về số lượng cửa hàng và doanh thu cùng giảm cho thấy thị trường điện thoại dường như đã đến điểm thoái trào.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Thế Giới Di Động gần như là 0%.
Chuỗi này có hơn 1.000 cửa hàng nằm tại hầu hết những vị trí giao thông đông đúc ở các thành phố cấp 1 và cấp 2. Tuy nhiên, công ty đã ngừng mở mới kể từ cuối tháng 12 năm ngoái do rủi ro chồng chéo giữa các cửa hàng hiện hữu.
Tuy nhiên, định hướng của Thế Giới Di Động tại Đại hội cổ đông vừa qua là không mở rộng mảng điện thoại và điện máy ồ ạt trong năm 2018. Thay vào đó, sẽ tập trung để tăng doanh thu của các cửa hàng này, với mục tiêu tăng từ 5-10%.
Các báo cáo phân tích thị trường của AC Nielsen hay GFK đều chỉ ra thị trường đã tới ngưỡng bão hòa, và sẽ dần đi xuống. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là tháng 1 năm nay, chuỗi Thế Giới Di Động đạt doanh thu giảm 11% so với cùng kỳ. Đây là chuỗi được đánh giá đã tận dụng gần như toàn bộ các vị trí có lưu lượng khách hàng tốt ở tất cả các thành phố của Việt Nam, nên việc tăng trưởng thêm cho chuỗi này là gần như không thể.
Bách hóa xanh bị “đèn đỏ”
Sau thời gian dài phụ thuộc vào chuỗi Thế Giới Di Động, Cty cổ phần Thế Giới Di Động đã chính thức bắt đầu giảm dần quy mô của chuỗi, chuyển trọng tâm tăng trưởng giai đoạn hiện tại sang Điện Máy Xanh và chuẩn bị cho sự vươn lên của Bách Hóa Xanh.
“Công ty muốn đưa chuỗi bách hóa trở thành mảng kinh doanh lớn, hiệu quả và doanh thu gấp đôi chuỗi điện máy. Nếu điều này thành công thì chúng tôi sẽ phát triển đến mức “khủng khiếp” và vượt xa mục tiêu doanh thu 86.400 tỷ đồng”, lãnh đạo Cty cổ phần Thế Giới Di Động từng khẳng định hồi đầu năm.
Tuy nhiên, tham vọng này đang gặp trở ngại lớn, khi chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn duy trì trạng thái lỗ liên tục.
"Có vẻ như việc triển khai một kế hoạch mở rộng nhanh chóng như chuỗi Bách hóa Xanh đã dẫn đến một số điều chỉnh đối với mô hình ban đầu trong bối cảnh công ty vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm", báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt đánh giá.
Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư quý I mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Thế Giới Di Động đã từng thừa nhận việc đưa Bách Hóa Xanh đi sâu vào các khu dân cư là bước đi hơi vội vàng khi thương hiệu chưa đủ mạnh.
Vì vậy, kế hoạch cho chuỗi này mới đây đã giảm mục tiêu từ 1.000 cửa hàng xuống còn 500 cửa hàng trong năm 2018. Ông Tài thậm chí thừa nhận lo lắng xuất phát từ tình hình Bách Hóa Xanh.
Nhà đầu tư cũng đang tỏ ra lo ngại cho sự phát triển của chuỗi này. Kết thúc quý I/2018, Bách Hóa Xanh lỗ trước thuế, lãi vay, khấu hao khoảng 60 tỷ đồng, phải đóng 3 cửa hàng. Chuỗi thực phẩm, tiêu dùng này là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu MWG giảm hơn 20% kể từ đầu năm đến nay.
“Có khả năng Thế giới di động và Điện Máy Xanh sẽ phải gánh vác doanh thu của Bách Hóa Xanh. Khi giảm con số cửa hàng mở mới trong năm nay, Bách Hóa Xanh cũng sẽ giảm được số lỗ”, ông Tài nói.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng quyết định của Cty cổ phần Thế Giới Di Động được xem là "một bước lùi". Nhất là khi cổ phiếu công ty đã phản ứng nhanh chóng với thông tin này, mặc cho những phiên trước tích lũy và hồi phục nhẹ.
Như vậy có vẻ như kịch bản “lên ngôi” cho Bách Hóa Xanh được áp dụng như Điện Máy Xanh đã cho thấy sự chệch choạc.