Lãng phí tiềm năng ngành phân bón (Kỳ II): PVN “cởi trói” để Đạm Phú Mỹ chọn hướng đi hiệu quả
Dù là một thương hiệu lớn đã được định danh, nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo xây dựng những chiến lược phát triển theo từng thời điểm, đồng thời lựa chọn cho mình hướng đi hiệu quả nhất.
Đạt 50% kế hoạch lợi nhuận năm
Trong công bố báo cáo tài chính quý I/2018 vừa được Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HOSE: DPM) công bố đã cho thấy, lợi nhuận tuy có suy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt kế hoạch rất cao. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ ghi nhận 2.084 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 5%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 21% còn 465 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như chi phí bán hàng giảm 50 tỷ và chi phí QLDN giảm hơn 30 tỷ giúp cho lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 219 tỷ đồng, tương đương giảm 20,6%.
Tuy nhiên, so với kế hoạch doanh thu 8.577 tỷ và lợi nhuận trước thuế 442 tỷ cho năm 2018; Đạm Phú Mỹ đã thực hiện đến 49,6% kế hoạch lợi nhuận năm. Về sản lượng thực hiện, DPM cho biết sản lượng Đạm Phú Mỹ đạt 220.000 tấn, vượt 12% kế hoạch quý; sản xuất NH3 (bán thương mại) ở mức 15.800 tấn, vượt 15% kế hoạch quý; kinh doanh Đạm Phú Mỹ đạt mức 203.000 tấn, vượt 2% kế hoạch quý; kinh doanh phân bón khác là 71.000 tấn, cũng vượt 21% kế hoạch.
Từ dòng khí thiên nhiên khai thác tại thềm lục địa phía Nam, Đạm Phú Mỹ thực sự là sản phẩm hóa khí đầu tiên của Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội.
Về dự án NH3/NPK, từ tháng 1/2018, xưởng NH3 (mở rộng) đã cung cấp thương phẩm ra thị trường, có hiệu quả cao vì đúng vào lúc giá thị trường tăng khoảng 30%; còn Nhà máy NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học cũng đã ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2018 với chất lượng tốt. Về kế hoạch sản xuất sản lượng năm 2018, PVFCCo đặt mục tiêu sản xuất 800.000 tấn urê, 170.000 tấn NPK và 13.500 tấn UFC85, kinh doanh 820.000 tấn urê, 150.000 tấn NPK và 225.000 tấn phân bón khác, kinh doanh hóa chất là 116.000 tấn (NH3, UFC85, CO2, hóa chất khác).
Vừa qua Đạm Phú Mỹ đã công bố điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty từ tỷ lệ 49% hiện tại lên mức không hạn chế.
Trong khi đó, đại diện PVN chia sẻ, trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Dầu khí đang xây dựng có phương án thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ, trong đó có cả khả năng thoái vốn xuống dưới 51% và dưới mức chi phối.
Để thực hiện điều này, DPM đã công bố thông tin rút bớt các ngành nghề kinh doanh là bốc xếp hàng hóa (trừ bốc xếp hàng hóa cảng hàng không), vận chuyển hàng hóa đường bộ, vận tải đường thủy nội địa. Đồng thời điều chỉnh ngành nghề "sản xuất, truyền tải và phân phối điện" thành ngành "sản xuất điện".
Có thể bạn quan tâm |
Một thương hiệu hóa khí đầu tiên của Việt Nam
Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư lên đến gần 400 triệu USD được khởi công xây dựng năm 2001. Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại của Haldor Topsoe (Đan mạch, sản xuất Amoniac) công nghệ của Snamprogetti (Italia, sản xuất urê) với công suất 740.000 tấn urê/năm (và được nâng lên 800.000 tấn/năm từ năm 2010).
Sau 3 năm khẩn trương xây dựng, cuối năm 2004, Nhà máy được khánh thành, Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí, tiền thân của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí hiện giờ (PVFCCo) là đơn vị quản lý, vận hành và chỉ sau một năm, các cán bộ, kỹ sư của PVFCCo đã hoàn toàn làm chủ việc vận hành, bảo dưỡng Nhà máy mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Tính từ ngày sản xuất lô sản phẩm đầu tiên vào năm 2004, cho đến nay, PVFCCo đã cung cấp hơn 10 triệu tấn Đạm Phú Mỹ và hàng triệu tấn Phân bón Phú Mỹ khác, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường phân bón trong nước, tiết kiệm cho quốc gia hàng trăm triệu đô la nhập khẩu phân bón mỗi năm.
Thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” được đánh giá là 1 trong 40 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” 15 năm liên tục từ 2004 đến 2018, danh hiệu “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” 4 năm liên tiếp từ 2013-2016, Thương hiệu Quốc gia 2014-2016, Top 10 Thương hiệu Việt Nam xuất sắc 2018...
Từ năm 2015, PVFCCo quyết định đầu tư Tổ hợp dự án nâng công suất xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ hóa học của hãng Incro SA (Tây Ban Nha) với công suất 250.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng.
Từ dòng khí thiên nhiên khai thác tại thềm lục địa phía Nam, Đạm Phú Mỹ thực sự là sản phẩm hóa khí đầu tiên của Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho đất nước, đạt được những mục tiêu của ngành Dầu khí.