Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều thách thức

Kiều Vũ 08/06/2018 17:36

Kinh doanh trong thời đại luôn thay đổi và hội nhập đã là việc khó khăn. Khó khăn này còn nhân lên bởi khung pháp lý thường xuyên thay đổi cùng các vấn đề nội tại của doanh nghiệp.

Bà Hà Thị Thu Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn - Tập huấn kỹ năng lãnh đạo, phát triển doanh nghiệp cho nữ chủ doanh nghiệp tổ chức ngày 8/6 tại Đà Nẵng rằng: “Doanh nghiệp do nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù tính giới của nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như quy mô nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế; nữ doanh nhân lại phải cùng một lúc gánh trách nhiệm kép, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh vẫn còn tồn tại”.

Để hỗ trợ cho các nữ lãnh đạo, Diễn đàn - Tập huấn kỹ năng lãnh đạo, phát triển doanh nghiệp cho nữ chủ doanh nghiệp được Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam chủ trì tổ chức ở cả ba khu vực miền bắc, miền trung và miền nam với sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đại biểu tham gia là đại diện nữ doanh nhân các tỉnh thành của cả ba vùng miền.

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025

Chương trình nhằm tư vấn, chia sẻ thông tin về Khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, kỹ năng điều hành, quản trị doanh nghiệp; cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo nền móng cho việc tiến tới xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia tư vấn về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy hiện Việt Nam có hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa – khu vực có đông doanh nghiệp do phụ nữ quản lý và điều hành chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Hàng năm tạo ra trên một triệu việc làm mới và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước. Thống kê cho thấy doanh nghiệp do phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo, điều hành chiếm hơn 25% trong tổng số doanh nghiệp, tương đương hơn 100.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ bên lề sự kiện

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu doanh nghiệp trong đó có 350.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Như vậy trong 3 năm tới, số lượng doanh nghiệp nữ sẽ phải tăng gấp hơn 3 lần, cao hơn so với tốc độ tăng doanh nghiệp chung của cả nước. “Đây là một mục tiêu rất lớn đối với khối  doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, bà Thanh cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, kinh doanh trong thời đại luôn thay đổi và hội nhập như hiện nay đã là việc khó khăn, nhưng khó khăn này còn nhân lên bởi “khung pháp lý của ta thường xuyên thay đổi và nó thực sự chưa mở cửa hết và chưa hội nhập hết, tạo rào cản khá lớn cho các doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, có chiến lược, và tâm thế vững vàng

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, có chiến lược, và tâm thế vững vàng

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân nữ Giang Thị Hằng: Chữ tín là tôn chỉ hàng đầu trong kinh doanh

    18:38, 26/04/2018

  • Doanh nhân nữ là lực lượng dẫn đầu trong nền kinh tế số

    16:47, 27/10/2017

  • Doanh nhân nữ APEC cùng nâng cao quyền năng kinh tế

    23:06, 27/09/2017

Quy mô của doanh nghiệp - doanh nghiệp chưa có nguồn lực mạnh, bao gồm nguồn lực tài chính và tư duy của người làm lãnh đạo; tư duy, mô hình quản trị công ty, các vấn đề hội nhập là những nội dung tiếp theo được vị đại diện Hiệp hội nữ doanh nhân đề cập khi nói về các thách thức cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có phụ nữ làm lãnh đạo nói riêng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Michael Trueblood – Giám đốc Phòng Kinh tế và Quản trị, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết: “USAID mong muốn tiếp tục hợp tác với Hiệp hội nữ doanh nhân tạo nền móng xây dựng mạng lưới cố vấn bao gồm các doanh nhân nữ nhằm thúc đẩy trao quyền về  mặt kinh tế cho nữ giới và nâng cao vị thế lãnh đạo cho nữ giới”. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hiệp hội doanh nhân nữ trong thúc đẩy, khuyến khích nữ doanh nhân khởi nghiệp.

Trải qua các phiên trình bày, thảo luận về các chủ đề: khởi nghiệp, khách hàng- thị trường, luật pháp- chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế hoạch kinh doanh, các đại biểu bao gồm đại diện doanh nhân nữ tham dự đồng tình bối cảnh hội nhập kinh tế và cuộc cách mạng 4.0  mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức, tạo ra sự cạnh tranh khó lường. Nhiều yêu cầu đặt ra về trình độ quản lý, thiết bị máy móc, công nghệ.. đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt hơn với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, có chiến lược, kế hoạch đúng đắn và tâm thế vững vàng, đương đầu với thử thách.

Cũng theo các đại biểu, tham gia hội nhập và phát triển là con đường tất yếu các doanh nghiệp phải đối diện. Người phụ nữ với vai trò lãnh đạo, điều hành càng phải nhận thức sớm điều này, học tập, rèn luyện kỹ năng và song hành cùng những thay đổi của thời đại để chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp tồn tại, phát triển.

Kiều Vũ