Quảng Nam "tái cơ cấu" nhà máy nghìn tỷ bỏ hoang chứ không bán cho nước ngoài
“Tỉnh Quảng Nam trước sau như một kiên quyết không bán Nhà máy Soda Chu Lai đầu tư hơn 2.300 tỷ bỏ hoang từ nhiều năm nay cho người nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào".
Khẳng định với PV báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: “Đến thời điểm này, lãnh đạo nhà máy Soda Chu Lai xin tái cơ cấu để hoạt động trở lại và đã được tỉnh Quảng Nam đồng ý với điều kiện phải đảm bảo năng lực tài chính và môi trường cũng như các vấn đề liên quan. Để nhà máy đi vào hoạt động, tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện tối đa theo qui định của pháp luật để tái cơ cấu đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động trở lại trong năm 2018. Và khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại, tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ.”
Tái cơ cấu đưa nhà máy nghìn tỷ bỏ hoang đi vào hoạt động
Còn ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định, khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm không để tình trạng ô nhiễm môi trường, nợ lương công nhân. Vấn đề này HĐND sẽ giám sát chặt chẽ.
“Việc gây ô nhiễm môi trường của nhà máy Soda Chu Lai không phải đến bây giờ tỉnh Quảng Nam mới đặt vấn đề mà trước đó nhiều năm khi nhà máy đi vào hoạt động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xử phạt hành chính, đếnnay vẫn chưa khắc phục nên Quảng Nam kiên quyết cho ngừng hoạt động để khắc phục”, ông Võ Hồng nói.
Nhà máy Sooda Chu Lai được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian ngắn đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường bị người dân phản đối và Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường vào cuộc kiểm tra xử lý. Đến tháng 6/2016 nhà máy đóng cửa ngừng hoạt động bỏ hoang đến nay.
Ngay sau khi đóng cửa bỏ hoang, hàng loạt ngân hàng cho Công ty CP Soda Chu Lai vay vốn đứng ngồi không yên. Các chủ nợ gồm 5 ngân hàng: Agribank Chi nhánh Quảng Nam (ngân hàng đầu mối), Agribank Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Định và PVcomBank đã rút hầu bao đổ vào nhà máy này với số tiền 2.300 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Agribank Chi nhánh Quảng Nam hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Hà Thạch giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Nam cho biết đang tìm mọi cách để tái cơ cấu nhà máy đi vào hoạt động trở lại để đảm bảo cho nhà máy có lãi trả nợ ngân hàng.
Để tái cơ cấu nhà máy đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Soda Chu Lai cho biết cần nguồn vốn ít nhất 300 tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo ô nhiễm môi trường, trả các khoản nợ lương công nhân, nợ tiền điện, tiền nước, nợ thuế.
“Hiện đã có đối tác đàm phán để đầu tư đưa nhà máy đi vào hoạt động trở lại. Tuy nhiên cần phải có thời gian”, ông Dũng cho biết.
Kiên quyết không bán dự án cho nước ngoài
Trước tình trạng nhà máy đầu tư nghìn tỷ bỏ hoang, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam báo cáo chi tiết về thực trạng của nhà máy.
Trước thông tin nhà đầu tư dự án Soda Chu Lai bán dự án cho nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu khẳng định: Quảng Nam vẫn giữ cam kết đồng hành với nhà đầu tư, để doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nhà máy tái hoạt động sản xuất, giải quyết công ăn việc làm người dân địa phương và trả nợ.
Tuy nhiên muốn hoạt động trở lại nhà máy phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền Quảng Nam không vì bất cứ lợi ích kinh tế nào mà bỏ qua vấn đề môi trường.
“Để nhà máy đi vào hoạt động trở lại, Ngoài các điều khoản phải đảm bảo như yếu tố môi trường và các vấn đề liên quan, tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ mọi hoạt động. Kiên quyết không để nhà đầu tư bán dự án cho nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.”, ônng Thu khẳng định.
Hiện nhà máy đang tái khởi động trở lại và hy vọng với sự đầu tư của đối tác mới cũng như sự giám sát chặt chẽ của chính quyền tỉnh Quảng Nam, khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại sẽ đảm bảo an toàn không gây ô nhiễm môi trường.
Điều đáng quan tâm mà ông Hà Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam kỳ vọng khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại, sản phẩm soda của nhà máy được tiêu thụ 80% với giá soda đã tăng kỷ lục trên 300 USD/tấn nhà máy sẽ có lãi.