TISCO xin cơ cấu lại thời gian trả nợ VDB
TISCO xin cơ cấu thời gian trả nợ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên.
Tổng công ty Thép Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khoản vay Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Theo công văn, ngày 15/6/2018, Tổng công ty Thép Việt Nam nhận được văn bản của Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) về việc xin cơ cấu thời gian trả nợ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên.
TISCO có 2 khoản nợ lớn với VDB và VietinBank
Khoản nợ vay tại VietinBank đã được VietinBank cơ cấu thời gian trả nợ cho TISCO đến tháng 6/2019. Theo đó, TISCO cân đối nguồn thu từ khu vực mỏ Tiến Bộ (đã đi vào sản xuất) để trả cho VietinBank (theo tỷ lệ giải ngân). Đến thời điểm 31/5/2018, TISCO đang nợ VietinBank 2.210,8 tỷ đồng.
Đối với khoản vay tại Ngân hàng VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên, đến nay VDB vẫn chưa thực hiện cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hàng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5. Do mỏ Tiến Bộ đã đi vào sản xuất nên năm 2017, TISCO tiếp tục trả VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên 14 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/5/2018, TISCO đang nợ VDB 1.573 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 415 tỷ đồng. Ngày 8/6/2018, VDB có thông báo gửi đến Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) về việc chuyển nhóm nợ của TISCO và đã chính thức bị chuyển nhóm nợ vay tại VDB sang nhóm 5 và công bố lên CIC.
“Các ngân hàng thương mại cho TISCO vay ngắn hạn theo đó lập tức sẽ ngừng giải ngân cho vay”, TISCO cho biết.
Trong khi nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của TISCO phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay từ các ngân hàng thì việc ngừng cho vay vốn ngắn hạn của ngân hàng sẽ dẫn đến TISCO buộc phải dừng sản xuất (dự kiến trong vòng 1 tháng kể từ ngày công bố chính thức chuyển nhóm nợ lên CIC).
“Nguy cơ TISCO phá sản là rất lớn, hậu quả dẫn đến mất vốn đầu tư của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước là Tổng công ty Thép Việt Nam chiếm 65% vốn điều lệ (1.196 tỷ đồng), các ngân hàng mất vốn do TISCO không trả nợ được, gần 5.000 người lao động không có việc làm, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh xã hội của địa phương”, phía Tổng công ty Thép Việt Nam lo ngại.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép VDB cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc và lãi) của TISCO liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên, đồng thời chưa cung cấp thông tin chuyển nhóm nợ lên hệ thống CIC cho đến khi thực hiện xong việc xử lý tồn tại của dự án.
“Trong thời gian này, TISCO tiếp tục dành toàn bộ nguồn thu từ khấu hao TSCĐ và lãi vay tính vào giá thành sản xuất của Mỏ sắt Tiến Bộ để trả cho các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án theo tỷ lệ vốn vay tương ứng”, phía Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết thêm.
Không thể dùng thiết bị từ thời “đại nhảy vọt”
Liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, tổng thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) mong muốn tiếp tục được hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của gói thầu EPC và gửi đến Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) báo giá mới để hoàn thành hợp đồng với chi phí hơn 136,89 triệu USD.
Bình luận về thông tin này, chuyên gia luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, mức giá mà tổng thầu Trung Quốc đưa ra để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của hợp đồng là cao, đồng thời thẳng thắn bày tỏ quan điểm không nên tiếp tục dự án trên.
Lý giải cho quan điểm của mình, GS.TSKH Phạm Phố cho rằng, nếu TISCO và MCC đàm phán đi đến thỏa thuận tiếp tục thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên thì cũng không được vấn đề gì vì MCC sẽ lại thực hiện dự án với những thiết bị, công nghệ lạc hậu. Hệ quả là dự án sau khi hoàn thành sẽ lại đắp chiếu, sản phẩm không cạnh tranh được.
"Nếu đồng ý để MCC tiếp tục hoàn thành hợp đồng thì có khả năng họ vẫn đưa những thiết bị lạc hậu, chất lượng không đảm bảo sang. Trung Quốc có công nghệ, thiết bị hiện đại nhưng liệu họ có chuyển giao những thứ hiện đại đấy cho Việt Nam hay chỉ chuyển giao những thiết bị, công nghệ lạc hậu, rẻ tiền, thậm chí có khi họ còn dỡ nhà máy cũ đưa sang lắp ráp ở Việt Nam?”, ông Phổ bày tỏ.
Vẫn theo ông Phổ, Dự án này đã kéo dài 10 năm, nhưng thiết bị Trung Quốc đưa sang thậm chí có loại đã có cách đây hàng chục năm. Những thiết bị đó, theo ông Phổ được biết, có từ thời kỳ "đại nhảy vọt". Làm dự án với những thiết bị đó, hậu quả sẽ rất lớn: giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được, cuối cùng lại thua lỗ, đắp chiếu.
“Nếu quyết tâm xây dựng một nền luyện kim đàng hoàng thì chúng ta phải xây dựng mới, không phải trên công nghệ và thiết bị của Trung Quốc đã chuyển giao. Tốt nhất là nên xem doanh nghiệp nào ở trong nước có tài chính vững mạnh bán lại cho họ”, ông Phổ kiến nghị.