“Nước cờ” IPO của doanh nghiệp gia đình

Kỳ Anh 28/06/2018 11:25

IPO có thành công hay không phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

IPO là một giải pháp hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tận dụng những nguồn lực mạnh mẽ từ xã hội. Tuy nhiên vẫn có không ít doanh nghiệp duy trì sở hữu gia đình nhưng vẫn phát triển vươn tầm quốc tế, điển hình như công ty MARS, top 10 doanh nghiệp gia đình (DNGD) lớn nhất tại Mỹ.

Tìm lời giải IPO

Airbnb là ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ phòng được định giá 31 tỷ USD, doanh thu 2017 đạt tới 1 tỷ USD, trở thành một trong những startup có sức ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, Airbnb lại tỏ ra lưỡng lự trước IPO và cho rằng đây chưa phải việc cấp thiết.

Dù thế nào, những lợi thế mà IPO mang lại cho doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Chính Airbnb cũng có dự định IPO trong dài hạn. Để bắt đầu “cuộc đua” này đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và lường trước những rủi ro có thể xảy ra như: Phải công khai tài chính nội bộ, thận trọng trong phát ngôn, cạnh tranh khốc liệt trên sàn…

Chính vì vậy, trước khi đưa ra được quyết định có nên IPO hay không, doanh nghiệp cần phải giải quyết được 2 bài toán: khi nào nên IPO và làm thế nào để IPO thành công, đặt trong bối cảnh thực tế của chính doanh nghiệp mình.

Để giúp doanh nghiệp, nhất là DNGĐ tìm lời giải IPO cho chính mình, các chuyên gia của chương trình CEO- Chìa khóa thành công đã tư vấn và đưa ra những giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp. Đó cũng là nội dung chương trình số 06 với chủ đề: “DNGĐ– Lựa chọn tương lai”, phát sóng trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật ngày 24 /06/2018.

p/Các chuyên gia của Chương trình CEO- Chìa khóa thông minh tư vấn và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp khi IPO.

Các chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khóa thông minh tư vấn và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp khi IPO.

Quan điểm trái chiều

Trước áp lực cạnh tranh gay gắt, một DNGĐ có 20 năm sản xuất kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm đang cần thêm nguồn lực để tồn tại và phát triển. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu cũng như xin tư vấn từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, CEO đã đề xuất với HĐQT kế hoạch IPO đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến này lại vấp phải sự phản đối của các cổ đông. Cả hai bên đều đưa ra những lý do xác đáng, đầy thuyết phục.

Bàn luận xoay quanh chủ đề này, ông Phạm Đình Đoàn- Phó chủ tịch Hội đồng TW các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết: “Các cổ đông hoàn toàn có lý do để phản đối doanh nghiệp tham gia IPO khi niềm tin của họ đang bị lung lay trước tình hình doanh số sụt giảm, các bước đi của doanh nghiệp về tài chính, nhân sự, quản trị chưa được làm rõ.
Hơn nữa, lên sàn còn vướng sự cạnh tranh của các Cty đã IPO thành công. Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo mình đủ mạnh trước khi IPO, nếu không sẽ có nguy cơ thất bại.

Bên cạnh đó, bà Đào Thị Thiên Hương- Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận đinh: “Cần ứng xử với IPO như một điểm khởi đầu thay vì mục tiêu cuối cùng. Điều đó sẽ phù hợp hơn với sự minh bạch, công bằng cần có để tiến tới thành công”.

Kỳ Anh